Một góc Nhà máy thủy điện Trị An (huyện Vĩnh Cửu) hiện hữu. Ảnh: Công ty thủy điện Trị An cung cấp
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Dự kiến dự án này sẽ phát điện vào năm 2025.
* Còn vướng mắc về thủ tục đất đai
Theo ông Lê Thành Chung, Trưởng ban Đầu tư của EVN, tổng diện tích đất bị ảnh hưởng từ dự án khoảng 130 hécta, trong đó phần diện tích sử dụng vĩnh viễn là hơn 38 hécta và diện tích đất sử dụng tạm thời khoảng 92 hécta.
Đến thời điểm hiện nay, dự án còn vướng mắc ở việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 23,5 hécta trong phần đất sử dụng vĩnh viễn. Phần diện tích này hiện là đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản. Điều này khiến cho quy trình triển khai dự án bị đình trệ.
Hiện dự án đã thực hiện lấy ý kiến và thông qua 18 cơ quan, ban, ngành và đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các địa phương hạ nguồn sông Đồng Nai.
Theo UBND huyện Vĩnh Cửu, UBND huyện đã bố trí toàn bộ chỉ tiêu đất công trình năng lượng đến năm 2020 cho 14 công trình cần triển khai trên địa bàn huyện với tổng diện tích hơn 85 hécta. Hiện nay, các dự án đang trong quá trình thực hiện.
Riêng đối với dự án mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An, UBND huyện Vĩnh Cửu đã kiến nghị UBND tỉnh phân bổ bổ sung chỉ tiêu sử dụng đất công trình năng lượng đến năm 2020 cho huyện đối với phần diện tích quy hoạch dự án này.
Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên - môi trường, phần diện tích nêu trên cần phải điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sang mục đích đất công trình năng lượng. Sở chưa đủ cơ sở để thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện cho thuê đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của dự án.
* Đảm bảo tiến độ dự án
Tính đến nay EVN đã hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án. Ngoài ra, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng đã được Bộ Tài nguyên - môi trường phê duyệt.
Đơn vị kiến nghị chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp với EVN tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án. Theo tính toán của EVN, dự kiến khi đi vào hoạt động, riêng Nhà máy thủy điện Trị An mở rộng sẽ nộp ngân sách cho địa phương khoảng 100 tỷ đồng/năm. Do đó, nếu dự án chậm tiến độ, khoản thu ngân sách này sẽ bị ảnh hưởng.
Dự án sẽ không xây thêm hồ chứa nhân tạo mà xây dựng thêm 2 tổ máy, nâng công suất của nhà máy thêm 200MW. Dự án dự kiến khởi công vào năm 2021. Để thực hiện dự án sẽ tiến hành thu hồi 130 hécta đất, trong đó EVN sẽ hoàn trả địa phương khoảng 90 hécta sau khi dự án hoàn thành.
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương nhận định, việc mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An là cần thiết bởi sẽ tận dụng lượng nước xả thừa, bổ sung nguồn điện tại chỗ cho tỉnh Đồng Nai. Hơn thế nữa, khi nâng công suất của nhà máy sẽ giảm tổn thất khi phát điện, truyền tải và hạn chế tình trạng thiếu điện, đảm bảo cung cấp điện trong thời gian tới…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan nhanh chóng rà soát, điều chỉnh lại quỹ đất dành cho các công trình năng lượng để điều chỉnh, hoàn thiện các thủ tục về đất đai của dự án nhằm đẩy nhanh việc thực hiện mở rộng Nhà máy thủy điện Trị An, đảm bảo tiến độ triển khai dự án…
Nhà máy thủy điện Trị An được xây dựng trên sông Đồng Nai, đoạn chảy qua huyện Vĩnh Cửu. Nhà máy được xây dựng với sự hỗ trợ về tài chính và công nghệ của Liên Xô từ năm 1984, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 1991. Hiện Nhà máy thủy điện Trị An có 4 tổ máy, với tổng công suất thiết kế 400MW. |