Ảnh minh họa.
Thông tin đã chính thức được Jaks công bố, tuần trước tập đoàn này đã ký thỏa thuận với CPECC để phát triển Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, quy mô 1.200 MW. Thỏa thuận này đã được ký tại Kuala Lumpur.
Cụ thể, theo thỏa thuận, tỷ lệ góp vốn trong dự án này là 50:50. Trong đó, Jaks Power Holding Ltd, công ty con của Tập đoàn Jaks, góp 140,1 triệu cổ phiếu trong Công ty Jaks Parcific Power Ltd (JPP) - công ty đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, với giá là 140,1 triệu USD. CPECC cũng có phần đóng góp tương tự - 140,1 triệu cổ phiếu, với giá 140,1 triệu USD.
Thông tin từ Jaks cho biết, trong cấu trúc vốn của Dự án, thì 25% là vốn chủ sở hữu, 75% còn lại là vốn vay thương mại. “CPECC đã có được tất cả các chấp thuận có liên quan từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc để đầu tư dự án này, với phần vốn góp là 50% trong liên doanh, cũng như các vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật”, thông cáo của Jaks cho biết.
Dự án sẽ khởi công vào quý I/2016 và đi vào hoạt động trong năm 2020.
Vẫn còn một chặng đường dài phải qua từ thỏa thuận cho tới thực tế triển khai, trong đó bao gồm cả việc làm các thủ tục đầu tư cần thiết với các cơ quan chức năng Việt Nam, tuy nhiên, động thái này đã mang lại tia hy vọng mới cho Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương.
Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2011 theo hợp đồng BOT với Bộ Công thương rất nhanh sau đó, vào ngày 9/9/2011, đã động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng, nên nhiều kỳ vọng đã được đặt ra đối với Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, chưa có nhiều tiến triển đối với dự án này.
Thậm chí, vào thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, Jaks vướng “nghi án” yếu kém về năng lực tài chính để triển khai Dự án. Vào thời điểm đó, Jaks Hải Dương đã nhiều lần bị UBND tỉnh Hải Dương gửi trát đòi các khoản nợ vay ứng trước cho việc đền bù giải phóng mặt bằng.
Nếu thỏa thuận của Jaks và CPECC suôn sẻ, hy vọng một dự án BOT nhiệt điện nữa được triển khai. Hiện rất nhiều dự án BOT ngành điện đã và đang được các nhà đầu tư nước ngoài theo đuổi, nhưng số lượng dự án được cấp chứng nhận đầu tư đã ít, dự án đã được triển khai còn ít hơn.
Cho đến nay, ngoài các dự án điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2., Mông Dương 2 đã đi vào hoạt động, BOT Hải Dương và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang chờ được triển khai, thì còn hàng loạt dự án BOT ngành điện khác đang “nằm chờ”, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD.