Đức sẽ phải nhập khẩu lượng khí hydro xanh khổng lồ qua đường ống dẫn khí vào năm 2035. Ảnh: CSIS
Đức có thể đáp ứng tới 100 terawatt giờ (TWh) nhu cầu năng lượng hàng năm bằng cách nhập khẩu hydro xanh thông qua đường ống dẫn khí từ các nước láng giềng vào giữa những năm 2030, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu dự kiến của nước này, Reuters thông tin.
Berlin đang tìm cách tăng sử dụng hydro làm nguồn năng lượng để cắt giảm khí thải nhà kính cho các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao không thể điện khí hóa như thép và hóa chất, đồng thời cắt giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Nghiên cứu của Agora Energiewende và Agora Industry có trụ sở tại Berlin cho biết, đến năm 2035, hydro xanh có thể đáp ứng 11,2% tổng nhu cầu năng lượng dự kiến 894 TWh của đất nước.
Nhưng Đức sẽ cần nhập khẩu khoảng 50% đến 70% lượng hydro do nguồn năng lượng tái tạo hạn chế.
Dữ liệu của Bộ Kinh tế Đức cho thấy, hiện tại, Đức sử dụng khoảng 55-60 TWh hydro mỗi năm nhưng được sản xuất hầu như từ nhiên liệu hóa thạch.
Nghiên cứu cho biết, đến năm 2030, Đức có thể sản xuất 11 TWh hydro và nhập khẩu khoảng 17 TWh hydro xanh và khoảng 15 TWh hydro lam, được sản xuất từ khí đốt, thông qua đường ống dẫn khí. Lượng khí này sẽ đáp ứng chưa đến một nửa tổng nhu cầu hydro của Đức vốn dự kiến đạt 95 TWh đến 130 TWh vào cuối thập kỷ này.
Tuy nhiên, bằng cách tận dụng cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên hiện có ở châu Âu, Đức có thể tăng cường nhập khẩu qua đường ống từ 60 TWh đến 100 TWh vào năm 2035, nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu đã xem xét 5 hành lang đường ống dẫn hydro tiềm năng đến Đức, xem xét các yếu tố như tiềm năng sản xuất, yếu tố chính trị và độ phức tạp về kỹ thuật.
Các hành lang đầy hứa hẹn bao gồm hàng nhập khẩu từ Đan Mạch và Na Uy qua biển Bắc, và có thể từ Thụy Điển và Phần Lan qua biển Baltic trong giai đoạn sau.
Về lâu dài, các đường ống dẫn khí hydro từ Nam Âu và Bắc Phi, đặc biệt là Tây Ban Nha và Tunisia, có thể đóng vai trò quan trọng cung cấp cho Đức. Ngoài ra, còn có khả năng nhập khẩu từ Vương quốc Anh, Bồ Đào Nha, Algeria, Hy Lạp và Ukraina.
Link gốc