Thi công đường truyền tải, đưa điện lưới đến bản Nà Đang, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa.
Được biết, dự án có quy mô đầu tư 275,5km đường dây trung thế, 318,6 km đường dây hạ thế, 122 trạm biến áp và 9.638 công tơ. Tổng mức đầu tư thực hiện dự án 711,124 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương cấp 85%, ngân sách địa phương đối ứng 15%.
Theo đó, Thanh Hóa phải chủ động bố trí có hơn 100 tỷ đồng và Trung ương sẽ bố trí vốn theo tiến độ, nguồn vốn đối ứng.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu, với nguồn vốn đối ứng cần làm rõ tỉnh chịu trách nhiệm bao nhiêu, huyện, xã lo bao nhiêu để chủ động bố trí. Đưa điện lưới đến thôn, bản vùng sâu, vùng xa, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống thể hiện sinh động tính ưu việt của chế độ cùng chủ trương phát triển kinh tế luôn đi đôi với bảo đảm an sinh, công bằng và tiến bộ xã hội.
Đại diện cử tri vùng miền núi, dân tộc tỉnh Thanh Hóa phản ánh, toàn tỉnh còn tới 157 thôn bản, thuộc 10 huyện, 50 xã chưa có điện lưới nên mỗi năm phải đầu tư, đưa điện đến 30 thôn bản mới bảo đảm lộ trình đưa điện lưới đến 100% thôn, bản vào năm 2020.
Năm 2015, ngân sách Trung ương mới cấp 20 tỷ đồng để đầu tư cấp điện cho các thôn, bản thuộc ba xã: Tén Tằn, Tam Chung, huyện Mường Lát và xã Na Mèo, huyện Quan Sơn. Do vậy phải ưu tiên bố trí nguồn lực tập trung, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hiệu quả dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Hồi cho rằng, trung bình mỗi hộ cần đầu tư 120 triệu đồng để đưa điện đến tận hộ. Đây là mức đầu tư không nhỏ và tùy thuộc vào nguồn vốn bố trí của TƯ lẫn địa phương. Thêm nữa, sau khi đã hoàn thành quy hoạch cụm dân cư ở khu vực miền núi, nhiều gia đình vẫn tách hộ và hình thành chòm dân cư mới. Theo đó, mục tiêu xóa thôn, bản chưa có điện lưới và bảo đảm 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia luôn phát sinh, trong thế theo đuổi. Do vậy phải thực hiện đồng bộ việc hoàn thiện lưới điện, đường giao thông đi đôi với ổn định nơi ở, cụm dân cư khu vực miền núi.