Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Điển hình là các khó khăn, vướng mắc trong thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, sự ra đời của các văn bản pháp luật mới trong đầu tư xây dựng như Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn dưới luật, Luật Quy hoạch, Nghị quyết 13 của Ban Bí thư về chuyển đổi đất rừng; sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, chưa rõ ràng giữa Ủy ban và các Bộ, chính quyền địa phương. Trong khi đó, việc bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp…
Dự kiến tổng khối lượng đầu tư xây dựng giai đoạn 2016 - 2020 toàn Tổng công ty đạt 93.861 tỷ đồng; trong đó đầu tư thuần đạt 63.606 tỷ đồng, tăng 24,7% so với khối lượng thực hiện giai đoạn 2010 – 2015, vượt mức so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ EVNNPT lần thứ II đề ra là khối lượng đầu tư đạt từ 80 - 90 nghìn tỷ đồng trong bối cảnh đầu tư xây dựng gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể theo ông Kiên, trong 5 năm qua, EVNNPT đã thực hiện khối lượng đầu tư các công trình lưới truyền tải điện lớn, đảm bảo giải toả công suất của các nguồn điện, nâng cao độ ổn định và tăng cường năng lực truyền tải toàn hệ thống. Cụ thể Tổng công ty đã khởi công 213công trình, tăng 2,4% so với nhiệm kỳ 2010 - 2015; đóng điện, hoàn thành đưa vào vận hành 255 công trình, tăng 5,4% so với giai đoạn 5 năm trước; với tổng chiều dài đường dây tăng thêm 5.960km, tổng dung lượng máy biến áp tăng thêm 39.750 MVA.
Các dự án đấu nối các nguồn điện đưa vào vận hành đúng và vượt trước tiến độ như lưới điện đồng bộ các Trung tâm điện lực như:Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú; các nhà máy điện: Thăng Long, Hải Dương, Lai Châu, Thượng Kon Tum. Các dự án phục vụ giải tỏa các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Nam Trung bộ.Các dự án đảm bảo cấp điện cho Hà Nội và miền Bắc. Các dự án đảm bảo cấp điện cho Tp. Hồ Chí Minh và miền Nam. Các dự án nâng cao năng lực lưới truyền tải điện Bắc - Nam…
Ngoài ra, để phục vụ cho công tác điều độ, vận hành hệ thống điện, tăng cường ổn định lưới điện và các hoạt động khác của Tổng công ty, trong giai đoạn 2016-2020, EVNNPT đã đầu tư và đưa vào vận hành 100 dự án phụ trợ như SCADA, tụ bù, hệ thống thông tin viễn thông...
Việc đầu tư phát triển lưới điện mới theo quy hoạch; cải tạo, chống quá tải lưới điện cũ theo kế hoạch, đảm bảo vào vận hành đúng hoặc vượt tiến độ, là giải pháp quan trọng có tính quyết định đến việc giảm tổn thất điện năngcủa Tổng công ty trong giai đoạn này.
Việc hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các dự án nguồn điện, các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải đúng kế hoạch theo chỉ đạo đã và sẽ tiếp tục góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, Tổng công ty đã hoàn thành quyết toán 355 dự án đầu tư xây dựng với tổng giá trị là 68.846 tỷ đồng, cao hơn 29 dự án và tăng 1,59 lần về giá trị so với giai đoạn 5 năm trước. Đồng thời thu xếp vốn với tổng giá trị 24.800 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019, Tổ chức Fitch Ratings (tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế) công bố xếp hạng tín nhiệm của EVNNPT ở mức BB, bằng công ty mẹ - EVN và mức xếp hạng quốc gia; xếp hạng tín nhiệm độc lập của EVNNPT đạt mức BB+, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để EVNNPT đa dạng hóa các nguồn tài chính và huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của lãnh đạo EVNNPT, vẫn còn nhiều công trình chưa khởi công và hoàn thành theo tiến độ kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân khách quan được Phó Tổng Giám đốc Bùi Văn Kiên đánh giá là do các công trình nguồn điện của các chủ đầu tư bên ngoài EVNchậm tiến độ, đặc biệt ở khu vực miền Nam đã dẫn đến tình trạng phải truyền tải cao trên lưới 500kV Bắc - Nam, làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố và tăng tổn thất điện năng trên lưới truyền tải điện. Các văn bản quy phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư các dự án thường bị kéo dài; việc bổ sung, điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia gặp nhiều khó khăn vướng mắc, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp... đã gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ khởi công, đóng điện nhiều dự án trọng điểm.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan như còn một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, chưa quyết liệt trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng. Chất lượng tư vấn, từ khâu khảo sát đến khâu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công chưa cao, vẫn còn hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần.
Dự kiến đến hết năm 2020 mặc dù không hoàn thành đóng điện toàn bộ các dự án trọng điểm theo danh mục kế hoạch 5 năm Tập đoàn giao, tuy nhiên trong năm 2020, Tổng công ty sẽ tập trung chỉ đạo và đảm bảo đáp ứng tiến độ đối với các dự án trọng điểm để đảm bảo giải tỏa công suất các dự án nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện đã được Tập đoàn chỉ đạo.
Đó là các dự án nâng cao năng lực lưới điện truyền tải Bắc - Nam như các đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Pleiku 2, trục đường dây 220kV Quảng Ngãi - Phước An - Tuy Hòa - Nha Trang - Tháp Chàm.Các công trình đồng bộ các nguồn điện như: các đường dây 500kV Mỹ Tho - Đức Hòa, Sông Hậu - Đức Hòa; các đường dây 220kV đấu nối các nguồn thủy điện Pac Ma, Thượng Kon Tum, đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2; đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương - trạm biến áp (TBA) 500kV Phố Nối...
Cùng với đó là các công trình cấp điện cho các trung tâm phụ tải lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các công trình trọng điểm như: TBA 500kV Việt Trì và đường dây nhánh rẽ; đường dây 500kV Thường Tín - Tây Hà Nội, đường dây 220kV Nho Quan - Thanh Nghị và TBA 220kV Thanh Nghị; các TBA 220kV Thủy Nguyên, Phan Rí, đường dây 220kV Bắc Giang - Lạng Sơn...
Ngoài ra Tổng công ty còn tập trung hoàn thành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo mới phát sinh không có trong kế hoạch 5 năm Tập đoàn giao như nâng công suất TBA 220kV Tháp Chàm, nâng công suất các TBA 500kV Di Linh, Vĩnh Tân, TBA 220kV Ninh Phước và các đường dây đấu nối...
Bước sang năm kế hoạch 5 năm tới (2021-2025), Tổng công ty cũng đối diện với không ít khó khăn trong đầu tư xây dựng. Lãnh đạo Tổng công ty đã nhìn nhận như vậy. Cụ thể, sự thay đổi lớn về chính sách, văn bản pháp luật gây khó khăn cho hoạt động quản lý vận hành và đầu tư hệ thống truyền tải. Công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch còn chậm; Thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, công tác giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư lớn do tăng trưởng mạnh mẽ của phụ tải và nguồn điện. Việc tiếp cận các nguồn vốn ODA, vốn vay có bảo lãnh Chính phủ sẽ gặp khó khăn trong tương lai...
Theo dự báo của EVNNPT, giai đoạn 5 năm tới sẽ tiếp tục có xu hướng truyền tải cao theo hướng Bắc => Trung => Nam. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty là đảm bảo cấp đủ điện cho miền Nam, bao gồm các dự án trọng điểm như: Đường dây 500 kV Phố Nối - Nam Định 1 - Thanh Hóa - Quỳnh Lập - Vũng Áng; các công trình 500 kV đấu nối vào lưới liên kết Bắc - Trung - Nam: TBA 500 kV Nghi Sơn, Thanh Hóa, Quảng Trị, Krông Buk; nâng công suất TBA 500 kV Đà Nẵng....