Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Theo đó, trong năm Tổng công ty đã khởi công được 41/kế hoạch 45 dự án. Trong số các dự án khởi công năm 2021 có nhiều dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân, trạm biến áp (TBA) 500kV Vân Phong, nâng công suất các TBA 500kV Pleiku 2, Đăk Nông; các đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống, Huội Quảng - Nghĩa Lộ - Việt Trì; các TBA 220kV: Tương Dương, Nối cấp TBA 220kV Phố Nối, Vĩnh Châu, Năm Căn, Duyên Hải...
Cũng trong năm, Tổng công ty đã đóng điện được 42/kế hoạch 56 dự án. Trong số các dự án đóng điện năm 2021 có các dự án có vai trò hết sức quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, năng lượng tái tạo (NLTT), thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như các dự án: các đường dây 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2; Mỹ Tho - Đức Hòa; TBA 500kV Đức Hòa; nâng công suất TBA 500kV Pleiku 2; Các đường dây 220kV Mường Tè - Lai Châu, Đông Hà - Lao Bảo, Quảng Ngãi - Quy Nhơn; các TBA 220kV Thủy Nguyên, Bến Lức, Giá Rai...
Ông Phạm Lê Phú, Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, số dự án khởi công và đóng điện năm 2021 chưa đạt so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là do khó khăn trong thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm trạm và tuyến đường dây dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư bị kéo dài. Cùng với chất lượng tư vấn, từ khâu khảo sát đến khâu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công chưa cao, vẫn còn hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần; còn một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, chưa quyết liệt trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng.
Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Ngoài vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng theo các quy định của nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án đi qua đất rừng, trong quá trình triển khai, các ban quản lý dự án còn gặp khó khăn trong việc bố trí cắt điện phục vụ thi công gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án.
Cùng với đó, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cung cấp vật tư thiết bị và thi công các dự án đầu tư xây dựng của EVNNPT. Mặt khác, biến động về giá cả thị trường và ảnh hưởng dịch nên rất nhiều gói thầu giá chào thầu vượt giá dự toán gói thầu dẫn đến phải xử lý tình huống đấu thầu, thậm chí phải huỷ thầu để tổ chức đấu thầu lại, kéo dài thời gian trong đấu thầu, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Khó khăn, vướng mắc rất lớn trong giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án phải kể đến như: các đường dây 500kV mạch 3, Thường Tín - Tây Hà Nội, Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, các đường dây 220kV Hải Dương - Phố Nối, Quảng Ngãi - Quy Nhơn...
Đánh giá của lãnh đạo EVNNPT cũng cho thấy, mặc dù chưa hoàn thành đóng điện các dự án đúng theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong bối cảnh thế giới và đất nước bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các khó khăn, vướng mắc kéo dài trong chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng, với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2021 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị. Từ đó góp phần cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt đối với nhiệm vụ đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nguồn điện NLTT cũng như để đảm bảo cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, trong năm 2021, Tổng công ty còn phê duyệt được 108 báo cáo nghiên cứu khả thi, tăng 27,1% so với năm 2020; phê duyệt 58 thiết kế kỹ thuật, tăng 65,7% so với năm 2020; đồng thời lựa chọn nhà thầu cho 1.052 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 9.001,7 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 7,45%. Mặt khác, tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng cho 839 gói thầu, đạt tỷ lệ 98,13% về mặt số lượng gói thầu và chiểm tỷ lệ 72,73% về mặt giá trị trong tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi.
Như vậy đối với các chỉ tiêu nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng, Tổng công ty và các đơn vị đã lựa chọn nhà thầu cho 1.052 gói thầu, giá trị tiết kiệm là 724,9 tỷ đồng, tương đương 7,45% so với tổng giá trị gói thầu. Đồng thời tăng cường đấu thầu rộng rãi công khai, hạn chế chỉ định thầu. Tổng giá trúng thầu các gói thầu chỉ định thầu chiếm tỷ lệ 0,45% tổng giá trị các gói thầu. Đối với giai đoạn kết thúc đầu tư, Tổng công ty và các đơn vị đã cơ bản thực hiện tốt công tác quyết toán các dự án đảm bảo thời gian quy định của Bộ Tài chính.