Tin thế giới

Đức với bài toán năng lượng hạt nhân

Thứ tư, 7/12/2022 | 14:13 GMT+7
Cuộc chiến ở Ukraine đang làm chao đảo châu Âu trên nhiều lĩnh vực. Đức, giống như các nước láng giềng phía Đông, đang phải hứng chịu những hậu quả trực tiếp của cuộc xung đột này cả trong ngành công nghiệp lần nguồn cung cấp khí đốt cần thiết. 
Ống khói lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Kemkraftwerk Isar ở Eschenbach, Đức
 
Một quốc gia tương đối nghèo tài nguyên năng lượng - ngoại trừ than - nhưng với nhu cầu cao, đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô, Đức phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng.
 
Sản lượng năng lượng thô sơ cấp trên lãnh thổ Đức bao gồm than (khoảng 28%), năng lượng hạt nhân (12%) và hiện nay là năng lượng tái tạo (40%), đặc biệt thông qua năng lượng gió. Sản lượng trong nước này chủ yếu dùng để sản xuất điện, cho phép đảm bảo hơn một nửa mức tiêu thụ điện cuối cùng. Phần còn lại, năng lượng được nhập khẩu từ các khu vực khác nhau trên thế giới. Hiện tại, Đức đang vội vàng giảm bớt, thậm chí thay thế sự phụ thuộc rất lớn của nước này vào khí đốt của Nga để đáp ứng nhu cầu năng lượng của các hộ gia đình và ngành công nghiệp. Đồng thời, Đức phải đối mặt với thời hạn từ bỏ điện hạt nhân dự kiến vào cuối năm nay. Quyết định từ bỏ điện hạt nhân này đi kèm với chính sách chống hạt nhân trên toàn cầu, đặc biệt ở châu Âu. Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) kêu gọi đa đạng hóa tối đa các nguồn năng lượng để giải quyết vấn đề phụ thuộc này, Đức đang đứng trước một nghịch lý về vai trò của điện hạt nhân trong việc quản lý cuộc khủng hoảng an ninh năng lượng.
 
Cuộc chiến ở Ukraine và sự ủng hộ của các nước phương Tây đã dẫn đến việc thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt chống lại Nga, cũng như sự phát triển của kế hoạch REPower EU mà mục tiêu là “đưa các nước châu Âu dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga càng sớm càng tốt”. Trong cả hai trường hợp, ngành năng lượng bị ảnh hưởng nặng nề do các lệnh cấm vận than và dầu mỏ. Cho đến nay, một lệnh cấm vận hoàn toàn khí đốt dường như quá rủi ro đối với các nước EU. Tuy nhiên, với việc Gazprom thông báo cắt giảm mạnh lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu xuống mức còn 33 triệu m3/ngày (tương đương 20% công suất của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc), các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của họ, cũng như về các nguyên tắc đoàn kết với các nước bị ảnh hưởng nặng nề như Đức.
 
Hiện tại, nước Đức đang phải giải quyết một phương trình năng lượng phức tạp: Thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Được biết cho đến năm 2020, nguồn cung cấp khí đốt từ Nga chiếm tới 55% lượng khí đốt nhập khẩu vào Đức và khí đốt là nguồn năng lượng thứ hai của nước này sau dầu mỏ. Ở Đức, khí đốt rất cần thiết để sưởi ấm các tòa nhà, xử lý nhiệt trong các ngành công nghiệp và sản xuất điện. Ngoài ra, đó còn là vấn đề tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế để đáp ứng nhu cầu 95 tỷ m3 mỗi năm.
 
Chỉ có điều, bối cảnh này cho thấy rằng các nhà máy điện hạt nhân của Đức không còn được kiểm tra an toàn định kỳ kể từ năm 2009, trong khi luật về nguyên tử quy định kiểm tra 10 năm một lần (ngoại trừ các lò phản ứng phải ngừng hoạt động trong vòng 3 năm). Điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn cao hơn khi các lò phản ứng được đưa vào vận hành.
 
Tình hình ở Đức đang buộc nước này phải xem xét lại mô hình năng lượng của mình một cách sâu sắc, một mặt tính đến các thực tế chiến lược và địa chính trị, mặt khác tính đến các tham vọng khí hậu, môi trường và công nghiệp. Qua các cuộc thăm dò gần đây, tỷ lệ chấp nhận điện hạt nhân tăng mạnh. Trong một khảo sát đầu tháng 6 vừa qua, gần 50% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ việc kéo dài hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân trong tình hình hiện nay. Chỉ 35% phản đối.
 
Tuy nhiên, xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới vẫn là một phương án bị bác bỏ đối với 53% người được hỏi. Một cuộc thăm dò khác vào đầu tháng 8 thì cho thấy tỷ lệ phản hồi rất thuận lợi cho việc gia hạn thời gian vận hành của nhà máy điện hạt nhân lên đến 5 năm (70%) và 52% số người được hỏi phản đối xây mới. Ngoài ra, 53% số người được hỏi nói rằng họ không sợ rò rỉ năng lượng từ các nhà máy điện hạt nhân nữa (so với 38% lo sợ). Những kết quả này trái ngược với các cuộc thăm dò được thực hiện vào năm 2011 và 2000, khi lần lượt 56% và 50% số người được hỏi cho biết họ sợ nguyên tử hoặc coi nó là “rất nguy hiểm”.
 
Vì việc lùi thời điểm từ bỏ điện hạt nhân dường như được xã hội chấp nhận, nên điện hạt nhân có thể được sử dụng để duy trì mức đóng góp hiện tại 6,4% (17,8 TWh) trong sản lượng điện (so với 11% vào năm 2021). Than đá sẽ chiếm gần 31% (86 TWh) trong hỗn hợp điện và gần 52% còn lại sẽ được sản xuất bởi các năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nguồn cung cấp khí đốt vẫn là mối quan tâm lớn vì nó liên quan đến những ứng dụng phi điện năng (chủ yếu không hoặc không thể sử dụng điện) trong ngắn hạn. Trên thực tế, 35% khí đốt được sử dụng trong công nghiệp, trong công nghiệp hóa chất và luyện kim. Khí đốt tự nhiên - 95% nhập khẩu - cũng chiếm 41% nhu cầu năng lượng dân dụng, chủ yếu để sưởi ấm, mặc dù quá trình điện khí hóa đang diễn ra chậm chạp. Đây là mức tiêu thụ khó điều chỉnh hoặc thay thế trong ngắn hạn. Đối với các ứng dụng phi điện năng, Đức đang bắt tay vào chuyển đổi mạng lưới khí đốt tự nhiên bằng cách phát triển hydro xanh - có nghĩa là được sản xuất bằng phương pháp điện phân với nguồn điện từ các năng lượng tái tạo.
 
Tình hình năng lượng của Đức hiện nay là một minh họa rõ ràng về thách thức quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng một cách khách quan nhất có thể. Nếu Đức không muốn sử dụng điện hạt nhân trên lãnh thổ của họ trong tương lai thì trong mọi trường hợp, nước này sẽ phải cân nhắc lại các quan điểm chống hạt nhân của họ trong các vấn đề châu Âu vì trong tình trạng hiện tại mô hình năng lượng của Đức hầu như không phải là giải pháp thay thế carbon thấp hiệu quả trước những căng thẳng địa chính trị.
 
CAND