Phóng sự

Đường dây 500 kV mạch 3 – Bài 2: Giải quyết khâu vướng nhất về mặt bằng

Thứ tư, 22/1/2020 | 08:26 GMT+7
Có thể nói, việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi thực hiện dự án luôn là một vấn đề rất khó khăn, không chỉ đối với các dự án truyền tải điện. 

 
Để giải quyết được vấn đề này phải mất rất nhiều thời gian và đây cũng là một trong những yếu tố then chốt quyết định đến tiến độ chung của dự án.
 
Là đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình điện trọng điểm, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) cho biết, những vướng mắc trong công tác này xuất phát từ những ý kiến chưa đồng thuận về giá trị bồi thường của người dân địa phương so với các quy định, Nghị định hiện nay như mức hỗ trợ về đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất nằm trong hành lang tuyến... 
 
Thực tế triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng cũng cho thấy, các đơn giá bồi thường chưa theo sát giá trị thực tế trên thị trường hiện nay. Đơn giá và mức hỗ trợ tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh chưa có sự đồng bộ. Nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân chưa rõ ràng, đất tranh chấp, chồng lấn giữa các hộ dân và tổ chức nằm trong phạm vi dự án gây rất nhiều khó khăn cho việc xét duyệt nguồn gốc đất. 
 
Bên cạnh đó, việc lập các hồ sơ thẩm tra, đánh giá hiện trạng rừng để nộp tiền trồng rừng thay thế và chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng mất nhiều thời gian cũng làm cho công tác công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm hơn.
 
Đối với việc thi công kéo dây (kể cả phục vụ thi công), các hộ dân không nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì chưa có quy định nào cụ thể để chính quyền tổ chức lực lượng bảo vệ thi công. Việc bồi thường đối với đất mượn tạm thời và tài sản bị ảnh hưởng trên đất mượn để phục vụ thi công xây dựng công trình lưới điện chưa có bản hướng dẫn quy định cụ thể nên gặp khó khăn trong việc triển khai thi công dự án. 
 
Nhiều trường hợp tiêu cực của các hộ dân tự ý xây dựng cơi nới nhà cửa, vật kiến trúc trên phần diện tích đất đã thu hồi làm móng trụ và trong phạm vi an toàn hành lang lưới điện cũng làm cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
 
Với dự án đường dây 500 kV mạch 3, theo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), việc triển khai dự án đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn và dự đoán trong thời gian tới sẽ còn phát sinh nhiều vướng mắc cần phải giải quyết ngay mới có thể tiếp tục thi công. 
 
Ông Đoàn Đức Hồng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) cho biết, hiện khó khăn vướng mắc nhất ở công trình là giải phóng mặt bằng. “Là đơn vị thi công, chúng tôi chỉ mong các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn làm sao đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Hồng chia sẻ.
 
Đối với Công ty cổ phần Sông Đà 11 cũng có lịch sử gắn với ngành điện hơn 30 năm về xây lắp các công trình và trạm nên anh em công nhân đang tập trung hết sức để hoàn thành đúng tiến độ.  Ông Lê Văn Tuấn Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 cho rằng: “Về năng lực thì chúng tôi cam kết hoàn toàn đảm bảo theo tiến độ, nhưng vướng nhất vẫn là mặt bằng thi công. Bởi vật tư cho thi công hiện đã tương đối đầy đủ, nhưng có những vị trí công nhân muốn vào làm cũng không được. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đặt quyết tâm đóng điện theo kế hoạch là ngày 30/6/2020”. 
 
Ông Tuấn cũng chia sẻ: Với chủ đầu tư thì đã chuẩn bị sẵn vốn, thanh toán và giải quyết kịp thời các chế độ của nhà thầu nhưng cái khó nhất của dự án này là giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề nan giải của dự án đường dây này nên đơn vị muốn thi công toàn tuyến cũng không được. 
 
“Chúng tôi có 275 vị trí, thì còn hơn 80 vị trí chưa thi công được vì nó ảnh hưởng ở địa bàn Đà Nẵng, hơn 40 vị trí chưa thống nhất được đền bù. Do vậy chúng tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các tỉnh, thành hỗ trợ trong di dời, đền bù giải phóng mặt bằng, vận động để người dân chia sẻ cùng doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đề nghị. 
 
Ông Tuấn cho biết, trên thực tế, Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tích cực và thường xuyên phối hợp với Chủ đầu tư, từ vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân. Đặc biệt đền bù có 2 việc chính: Đền bù đất vĩnh viễn và đường vào, đất mượn để thi công thì đó là trách nhiệm của nhà thầu, nhưng phải cùng làm với Chủ đầu tư thì mới có thể triển khai được. 
 
Như vậy, tiến độ bàn giao mặt bằng dự án đường dây 500 kV mạch 3 theo đánh giá của CPMB và các nhà thầu đều không đáp ứng yêu cầu theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của các địa phương tại cuộc họp ngày 13/9/2019 do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì là bàn giao mặt bằng phần móng trong tháng 10/2019, bàn giao hành lang tuyến trong tháng 11/2019.
 
Với tiến độ 70% mặt bằng đã giao thì ở Gia Lai đã bàn giao đủ 100% vị trí móng; Quảng Bình bàn giao 290 vị trí, đạt 94%; Thừa Thiên Huế bàn giao 207 vị trí, đạt 91%; Kon Tum bàn giao 88%; Quảng Trị 80%... Hiện tại rủi ro nằm ở 2 tỉnh là Hà Tĩnh và Đà Nẵng mới bàn giao 33% vị trí móng. Và ở Quảng Nam khối lượng vị trí móng nhiều nhưng mới bàn giao được 121 vị trí, mới đạt 41% dự án. Trong khi đó, tiến độ bàn giao hành lang tuyến mới đạt 17%, với tiến độ này thì khả năng rủi ro trong bồi thường giải phóng mặt bằng cao.
 
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB cho biết, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 khởi công trong điều kiện đang triển khai đo đạc giải thửa, lập hồ sơ thu hồi đất và kê kiểm, do vậy phần lớn là tổ chức vận động bàn giao mặt bằng thi công móng, các thủ tục cần triển khai song song.
 
“Song song với bồi thường giải phóng mặt bằng, dự án đường dây 500 kV mạch 3 này thì có các dự án quan trọng khác cũng triển khai như đường cao tốc Bắc –Nam và một số dự án cấp bách khác theo chủ trương của Chính phủ, nên lực lượng phối hợp trong bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương cũng chưa thể tập trung toàn lực”, ông Tuyển cho hay. 
 
Chủ tịch HĐTV EVNNPT cũng khẳng định: “Khó khăn lớn mà bản thân chúng tôi khó vượt qua là giải phóng mặt bằng vì phạm vi các dự án rất rộng lớn. Nhiều vị trí, đoạn đường dây đi qua rừng, phải làm thủ tục chuyển đổi đất rừng. Ngoài ra, toàn tuyến có 9.000 hộ dân bị ảnh hưởng nên khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng lớn, việc lập các hồ sơ kê kiểm, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ … phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện”. 
 
“Từ khi bắt đầu triển khai dự án, chúng tôi được hỗ trợ thường xuyên từ Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, nhưng đến nay khối lượng đền bù vẫn còn lớn và khả năng chậm tiến độ do bồi thường giải phóng mặt bằng còn rất cao. Vì vậy, để có thể đảm bảo tiến độ, chúng tôi cần sự tiếp tục hỗ trợ của chính quyền địa phương các cấp cũng như của các hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dự án, bởi EVNNPT không thể một mình giải quyết được khó khăn này, ” Chủ tịch HĐTV EVNNPT kiến nghị.
 
 
Bài 3: Khắc phục các yếu tố rủi ro 
 
Mai Phương