Kỷ niệm 20 năm Đường dây 500kV Bắc Nam

Đường dây 500kV Bắc Nam: Niềm tự hào của ngành Điện Việt Nam

Thứ ba, 1/4/2014 | 10:49 GMT+7
Nhân kỷ niệm 20 năm đưa vào vận hành hệ thống điện 500kV Bắc Nam, Trang tin điện tử Ngành Điện xin giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2, điểm lại những nỗ lực của công nhân ngành điện trong những ngày đầu xây dựng và vận hành đường dây 500kV Bắc Nam.


Bảo dưỡng đường dây 500kV vị trí 1.637 đoạn qua đèo Phú Gia, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Hà

Giai đoạn 1981- 1986, lần đầu tiên, Việt Nam xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển điện lực. Trong giai đoạn này, ngành điện đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành những công trình lớn có tầm cỡ chiến lược quốc gia như: Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Hòa Bình; củng cố các nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình, Thái Nguyên và khai thác hết công suất thủy điện Thác Bà. Các đường dây 220 kV Thanh Hóa - Vinh, Phả Lại - Hà Đông, trạm biến áp 110 kV, 220 kV Hà Đông mang tải sớm trước thời hạn. Nhiều trạm trung gian và đường dây phân phối được lắp đặt, vận hành. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế song về tổng thể, Tổng sơ đồ 1 đã đạt được kết quả nổi bật là đưa công trình Nhiệt điện Phả Lại và các công trình lưới điện vào đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu điện cho sự phát triển kinh tế xã hội.

​Từ năm 1986 - 1992, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế Việt Nam có những bước liên tục phát triển mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng điện năng phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt tăng cao. Tuy nhiên, các tỉnh  Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nhận điện qua đường dây 110kV dài hàng trăm cây số, dẫn đến công suất và điện áp không đảm bảo, chất lượng điện năng rất thấp. Khu vực Nam miền Trung nhận điện qua đường dây 66kV từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim cấp cho Cam Ranh, Khánh Hòa và một số nguồn diesel nhỏ tại chỗ cũng không đủ dùng. Khu vực miền Nam có nhu cầu điện rất cao, nhưng lại thiếu nguồn. Lúc này, tại miền Bắc các nhà máy điện đã, đang xây dựng và đưa vào vận hành lại dư thừa công suất.

Với nhu cầu cấp thiết cung cấp điện miền Trung, miền Nam, ngày 25/2/1992, Chính phủ đã phê duyệt luận chứng kinh tế – kỹ thuật về  xây dựng hệ thống điện 500kV Bắc – Nam. Theo đó, quyết định cho phép ngành điện thực hiện theo cơ chế đặc biệt vừa khảo sát, thiết kế, nhập vật tư thiết bị và thi công đường dây 500kV Bắc Nam trong thời gian 2 năm. Toàn nghành điện, đặc biệt là các Sở Truyền tải đón nhận tin này với niềm phấn khởi, vui mừng, tự hào và đầy trách nhiệm.
 
 
Nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng Thái Phụng Nê kiểm tra tại vị trí 379 trên đèo Hải Vân. Ảnh: Tác giả cung cấp

Với 5 trạm biến áp và tổng chiều dài  1487 km, qua địa bàn 14 tỉnh, điểm đầu là Nhà máy thủy điện Hòa Bình, kết thúc là TBA 500kV Phú Lâm (Tp. Hồ Chí Minh), ĐZ 500kV mạch 1 gần ¼ bước sóng, theo tính toán lý thuyết thì dễ gây mất ổn định trong quá trình quá độ, khó kiểm soát, có thể xảy ra hiện tượng điện áp tăng rất cao, phá hủy các thiết bị và hệ thống điện. Trong thời kỳ đầu triển khai dự án, vẫn diễn ra các hội thảo và một số ý kiến của các cá nhân, các nhà khoa học, các tổ chức trong và ngoài nước nghi ngờ sự thành công của dự án.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ và ngành điện, công trình đã được Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công phần đường dây vào ngày 5/4/1992 tại vị trí móng số 54 và khởi công phần trạm biếp áp vào ngày 21/01/1993 tại trạm biến áp Phú Lâm. Bên cạnh các công việc tính toán, thiết kế, nhập vật tư thiết bị (phần lớn nhập ngoại, kể cả phần cột, dây dẫn), thi công xây lắp... một công việc khác cũng gấp rút được triển khai, là đào tạo lực lượng để làm chủ, quản lý, vận hành, điều độ hệ thống điện siêu cao áp 500kV đầu tiên này. Lực lượng này này cơ bản được chọn, các kỹ sư điện trẻ, có kiến thức, năng lực, tràn đầy nhiệt huyết tại các Công ty Điện lực 1, 2, 3 và Trung tâm điều độ hệ thống điện được học tập trung từ tháng 7/1992 (đợt 1) tại Trường Cán bộ thuộc Bộ Năng Lượng (Thanh Xuân – Hà Nội). Tới đầu năm 1993 tiếp tục bồi huấn tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (có tăng cường thêm cán bộ - đợt 2), và sau đó tới tháng 9/1993 đi tập huấn thực tế về quản lý, vận hành, điều độ trên hệ thống điện 500kV tại Úc, Bỉ. Hiện nay, đội ngũ cán bộ được đào tạo từ năm 1992, 1993 này tiếp tục giữ các vị trí quan trọng trong quản lý kỹ thuật, vận hành, điều độ hệ thống điện 500kV tại Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN, TCT Truyền tải điện NPT, Trung tâm Điều độ HT Điện Quốc gia A0 và các công ty truyền tải điện PTC1, 2, 3, 4. Cũng từ lực lượng nòng cốt được đào tạo bài bản này, sau đó tiếp tục được nhân rộng ra, hướng dẫn, đào tạo thêm các kỹ sư đi ca tại A0, các Trạm 500kV và công nhân đường dây.


Khóa tập huấn thực tế về quản lý, vận hành, điều độ trên hệ thống điện 500kV những ngày đầu tại Úc. Ảnh: Tác giả cung cấp

Trong 2 năm liên tục nỗ lực tập trung thi công đã biến công trình thành đại công trường lớn nhất cả nước với chiều dài trải dọc theo tuyến đường dây 1.487km. Công tác nghiệm thu gần như song hành với thi công. Đúng với kế hoạch tiến độ, đến tháng 4/1994 đã thi công xong toàn bộ 5 trạm biến áp và 1.487km đường dây.

Đúng 19 giờ 6 phút ngày 27/5/1994, tại Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện 500kV Bắc Nam, qua  máy cắt 571 tại trạm biến áp 500kV Đà Nẵng, chính thức đưa hệ thống 500kV vào vận hành. Điều này khẳng định sự thành công của dự án cũng như sự táo bạo, quyết liệt của Chính phủ và nghành điện. Hệ thống điện cả nước đã nối liền và cân đối điều hòa, hỗ trợ toàn bộ công suất thừa thiếu các vùng miền. Từ đây trở đi việc cung cấp điện miền Trung, miền Nam đã giải quyết, đời sống nhân dân đã có bước nâng cao đáng kể.

Thực tế, qua 20 năm vận hành càng chứng minh sự thành công vượt bậc của dự án hệ thống điện 500kV Bắc Nam, khi cung cấp 10 tỷ kWh/năm cho cả nước theo cả hai chiều Nam - Bắc. Trải qua 20  mùa mưa bão, những thời khắc nghiệt ngã khi cơn bão Xangsane (2006), Ketsana (2009), Nani (2013) đi qua…. toàn bộ hệ thống điện 500kV mạch 1 vẫn hiên ngang, đứng vững, cơ bản đảm bảo cung cấp điện liên tục. Điều này nói lên nỗ lực đáng tự hào của tập thể EVN, trong đó hơn 7.000 CBCNV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng, củng cố đảm bảo chất lượng để dòng điện được liên tục.
 
Nguyễn Tiến Dũng

Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2