Công ty CP Sông Đà 11 thi công vị trí cột 158 đường dây 500kV mạch 3 (thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình).
PV có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB).
PV: Thưa ông, tiến độ thi công đường dây 500kV mạch 3 đang gấp rút, nhưng vướng mắc trong BT-GPMB đang là lý do chính khiến tiến độ của dự án chưa đáp ứng kế hoạch đặt ra?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Đúng là đến thời điểm mặt, công tác BT-GPMB đang là trở ngại lớn nhất đối với dự án. Tính đến nay phần móng kê kiểm đạt 99%, công tác bàn giao mặt bằng đạt 78%. CPMB đặt ra tiến độ bàn giao các vị trí móng về cơ bản hoàn thành trong cuối tháng 2/2020 và nửa đầu tháng 3/2020. Các vị trí móng điều chỉnh theo thiết kế và các vị trí vướng, khó giải quyết sẽ cố gắng phấn đấu bàn giao vào cuối tháng 3/2020.
Đối với phần hành lang tuyến, đến nay đã kê kiểm đạt 70%, chi trả tiền đạt 40%. Tiến độ kê kiểm CPMB phấn hoàn thành toàn bộ trong tháng 3/2020 và phê duyệt chi trả tiền hoàn thành trong tháng 4/2020, nửa đầu tháng 5/2020 đối với những vị trí khó khăn. Tuy nhiên, việc chi trả tiền và bàn giao mặt bằng sẽ ưu tiên, phù hợp với tiến độ kéo dây theo từng khoảng néo đã đủ điều kiện để thi công, các khoảng néo theo nhà thầu đăng ký kéo dây, đảm bảo tiến độ tổng thể cho dự án.
PV: Trong một số địa phương chậm bàn giao mặt bằng thì vẫn có những địa phương làm tốt như Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum đã hoàn thành 100% mặt bằng. Vậy những địa phương này có giải pháp gì làm nhanh như vậy, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Tất cả các địa phương có dự án đi qua đã vào cuộc và triển khai rất quyết liệt, tuy nhiên một vài tỉnh do đồng thời điều hành nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn nên còn nhiều tồn tại về GPMB, điển hình như tỉnh Quảng Nam, Tp.Đà Nẵng. Đối với các địa phương này, CPMB thường xuyên cử lãnh đạo, cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát để xử lý công việc và báo cáo thường xuyên cho Ban chỉ đạo, tuy nhiên kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.
Đối với những địa phương làm tốt như Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum (đã hoàn thành 100% mặt bằng) ngay từ ban đầu, các ngành các cấp đã xây dựng kế hoạch cụ thể, rà soát những vướng mắc dự kiến sẽ vướng mắc để họp, lấy ý kiến xin cấp thẩm quyền có chủ trương giải quyết.
Lãnh đạo tỉnh quan tâm sâu sát, điều hành từng bộ phận chuyên môn theo định kỳ trong các cuộc họp giao ban của tỉnh ủy, ủy ban để có những chỉ đạo kịp thời. Các cấp chính quyền địa phương cấp huyện vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo phòng ban, bộ phận làm công tác BT-GPMB xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai theo tiến độ. Định kỳ có báo cáo các vướng mắc và đề xuất cách xử lý từng vụ việc.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ của các địa phương tương đối rõ ràng và phù hợp thực tế. Cán bộ tham gia công tác BT-GPMB của địa phương tương đối trách nhiệm với công việc, tích cực xử lý những vướng mắc, không để kéo dài. Ngoài ra còn có sự đồng thuận cao của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Ông Nguyễn Đức Tuyển – Giám đốc CPMB.
PV: Một số địa phương chậm tiến độ cho rằng vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi đất rừng. Xin ông cho biết cụ thể hơn vướng mắc này tại các địa phương?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Nhiều địa phương hiện nay gặp vướng mắc trong thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng rừng (CMĐSDR), đặc biệt thủ tục chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang đất xây dựng dự án phức tạp, chuyển qua lại rất nhiều Bộ như: NN&PTNT, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư), nhiều cấp để kiểm tra rà soát, thời gian kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ phê duyệt đầu tư xây dựng dự án.
Dự án và diện tích CMĐSDR phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất 5-10 năm của tỉnh/thành được Chính phủ phê duyệt, ban hành Nghị quyết và phù hợp kế hoạch sử dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hằng năm. Nội dung này thường gặp vướng mắc do các dự án thường không được UBND tỉnh cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất 5 -10 năm và diện tích đất chủ đầu tư đăng ký kế hoạch sử dụng đất cho dự án tại các tỉnh chỉ là phần thu hồi đất tại phần móng trụ nên diện tích xin CMĐSDR cả hành lang sẽ không tương ứng. Ngoài ra, cũng chưa có quy định hay hướng dẫn nào của cấp có thẩm quyền cho việc diện tích CMĐSRD cần phải thu hồi đất trong hành lang an toàn. Đối với đất rừng trong hành lang tuyến, sau khi chuyển đổi vẫn giao cho chủ rừng quản lý và sử dụng.
Ngoài ra một số dự án cụ thể gần đây nhất, Bộ NN&PTNT có ý kiến tại văn bản số 3644/BNN-TCLN ngày 27/5/2019, cụ thể: “..... nếu phải CMĐSDR thì chỉ xem xét, đề xuất chấp thuận chủ trương CMĐSDR tại các vị trí móng cột điện và phù hợp với chỉ tiêu được duyệt trong Kế hoạch sử dụng đất; phần diện tích hành lang tuyến, chủ dự án phải nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật, thiết kế chiều cao cột điện của các dự án đường dây truyền tải, đảm bảo khoảng cách an toàn theo đúng yêu cầu của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP để không ảnh hưởng và phải chặt hạ cây trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất thuộc khu vực hành lang tuyến”.
Đối với Dự án ĐD 500 kV mạch 3 do các thủ tục đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương, nên thủ tục triển khai tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất rừng cũng phải làm đầy đủ thủ tục theo quy định, thời gian từ khi trình Hồ sơ để nộp tiền trồng rừng thay thế và làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng mất khoảng 6-8 tháng.
Ông Nguyễn Đức Tuyển trao đổi với các nhà thầu thi công trên công trường đường dây 500kV mạch 3.
PV: Là đơn vị quản lý, xây dựng các dự án điện ông có kiến nghị gì về chuyển đổi thủ tục đất rừng khi dự án đó đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Các dự án lưới điện truyền tải thường đi qua khu vực đồi núi nên đi qua đất rừng rất nhiều. Chính vì vậy chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng và đất rừng các loại để xây dựng các dự án đường dây truyền tải điện đã có trong Quy hoạch được duyệt, với lý do: Đây là các dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội, anh ninh năng lượng Quốc gia. Trong quá trình nghiên cứu đầu tư xây dựng, chủ đầu tư và UBND tỉnh/huyện/xã đã nghiên cứu các giải pháp để tránh tối đa các khu dân cư, khu quân sự, khu phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đã thực hiện giải pháp nâng cao cột để hạn chế tối đa diện tích rừng ảnh hưởng. Hướng dẫn và hỗ trợ UBND các tỉnh trong việc thực hiện CMĐSDR các loại cho các dự án truyền tải trên địa bàn tỉnh.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cho các dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng khi diện tịc này phù hợp với kế hoạch sửu dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Cho phép EVN và các đơn vị trực thuộc EVN được giao làm chủ đầu tư các dự án truyền tải điện chủ động lập, trình cấp thẩm quyền thẩm tra và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có liên quan đến rừng.
UBND các tỉnh chỉ đạo cho Sở NN&PTNT và Sở TN&MT cập nhật danh mục dự án và diện tích đất rừng cần chuyển đổi để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Phối hợp và hướng dẫn các thủ tục cần thiết để chủ đâu tư có cơ sở thực hiện CMĐSDR theo quy định. UBND Tỉnh có chủ trương cho phép ngành điện được mở tạm các đường phục vụ thi công qua rừng và chủ đầu tư hoàn trả lại mặt bằng sau khi hoàn tất công việc.
Chính phủ, thống nhất về mặt nguyên tắc cho tất cả các dự án đường dây truyền tải điện (đã có trong Quy hoạch điện và kế hoạch sử dụng đất được duyệt) được phép chuyển đổi rừng và đất rừng các loại để xây dựng các dự án đường dây truyền tải điện (kể cả móng và hành lang tuyến). Giao cho UBND tỉnh được phép chuyển CMĐSDR các loại cho các dự án truyền tải trên địa bàn tỉnh quản lý và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc tuân thủ theo các quy định về bảo vệ và phát triển rừng;
PV: Thưa ông, nếu các địa phương trong tháng 3 hoàn thành mặt bằng thì tháng 6/2020 dự án có cơ bản đáp ứng được tiến độ không thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Với tiến độ GPMB được các địa phương tích cực giải quyết để bàn giao mặt bằng trong tháng 3/2020 (kể cả hành lang tuyến an toàn) thì sẽ điều hành để đáp ứng được tiến độ đào đúc móng theo kế hoạch. Tuy nhiên, việc dựng cột, kéo dây gặp một số rủi ro như dự án còn vướng mắc liên quan một số gói thầu cung cấp cột thép do khối lượng lớn nên chậm khoảng 2 tháng, đến tháng 3 mới cung cấp đươc. Các gói thầu cung cấp cách điện tiến độ trong tháng 4, nhưng phải sang tháng 5 mới bàn giao đủ. Gói thầu cung cấp tụ điện sẽ bắt đầu bàn giao từ tháng 7-9/2020.
Công tác thi công dựng cột, kéo dây tập trung vào thời điểm tháng 3-6/2020 chủ yếu là lực lượng trèo cao, hơn nữa lực lượng trèo cao của các đơn vị xây lắp còn phải triển khai nhiều dự án trên cả nước.
Với các rủi ro trên, chúng tôi đang cập nhật công tác BT-GPMB, cung cấp VTTB và tính toán lại tiến độ để báo cáo EVNNPT, báo cáo EVN để xem xét chỉ đạo, hỗ trợ.
CPMB xác định rất rõ việc chậm tiến độ dự án này làm ảnh hưởng việc cấp điện cho miền Nam từ năm 2020 và những năm tiếp theo khi các dự án nguồn điện phía Nam (ngoài EVN) chậm tiến độ nên CPMB đang đốc thúc các nhà thầu khẩn trương thi công kể cả trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.
PV: Xin cảm ơn ông!