Tin trong nước

EVN: Tăng cường bảo vệ môi trường rừng và nguồn nước

Thứ ba, 3/11/2015 | 09:36 GMT+7
Tính đến hết tháng 9/2015, đơn vị đã thực hiện xong việc rà soát trồng bù rừng thay thế thuộc 18 dự án thủy điện trên cả nước, chi trả hơn 3.405 tỷ đồng tiền phí dịch vụ môi trường rừng cho nhà nước.

Một đợt trồng bù rừng của EVN tại Thủy điện Sơn La.

Nỗ lực bảo vệ môi trường rừng

Cụ thể, đã có 3 dự án thủy điện ở khu vực miền Trung gồm A Vương, Sông Ba Hạ, Buôn Tua Srah đã hoàn thành xong việc trồng bù rừng và được cấp chứng nhận; 14 dự án thủy điện đã phê duyệt phương án trồng bù rừng thay thế và chuyển tiền đợt 1 gồm Thủy điện Sông Tranh 2, Bản Vẽ, Đồng Nai 3 & 4; An Khê - Knak, Sông Bung 4, Trung Sơn, Thượng Kon Tum, Sơn La, Bản Chát, Lai Châu, Tuyên Quang, Sê San 4, Sông Bung 2. Đối với dự án Thủy điện Huội Quảng, trong tháng 10/2015, EVN sẽ chuyển tiền cho UBND tỉnh Lai Châu để địa phương thực hiện trồng bù rừng.

Đây là một trong những nỗ lực của EVN nhằm thực hiện Nghị định số 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Việc trồng bù rừng thay thế nhằm hoàn trả mặt bằng thi công; góp phần phát triển hệ thống cây xanh và rừng phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn vì an toàn sinh thái và cải thiện cảnh quan môi trường cho khu vực xây dựng thủy điện.

Bên cạnh việc chi nhiều tỷ đồng để trồng bù rừng thay thế, EVN còn góp phần bảo vệ môi trường rừng thông qua việc nộp phí dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ Dịch vụ môi trường rừng hàng nghìn tỷ đồng. Đơn cử, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, với sản lượng điện phát khoảng trên 9 tỷ kWh, mỗi năm cũng đóng góp khoảng từ 180-200 tỷ đồng.

Tích cực tuyên truyền

Bên cạnh việc bảo vệ môi trường rừng, EVN còn chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là giao cho Đoàn thanh niên tích cực tổ chức nhiều chương trình tuyên truyền bảo vệ vùng bán ngập lòng hồ, vùng hạ du công trình thủy điện cho chính quyền, các tổ chức và người dân tại các địa phương- nơi có dự án nhà máy thủy điện.

Cụ thể, Đoàn thanh niên EVN phối hợp với các công ty thủy điện thường xuyên tập huấn, phổ biến các Nghị định của Chính phủ về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước cho cán bộ địa phương; tổ chức phát tờ rơi, cắm biển báo tuyên truyền tại những nơi cần thiết; tổ chức thi văn nghệ và trò chơi lồng ghép nội dung tuyên truyền cho nhân dân địa phương...

Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình- cho biết, đối với các công trình thủy điện, việc bảo vệ hành lang hồ chứa, nguồn nước có vai trò rất quan trọng, nếu bị xâm phạm sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác sản xuất điện. Các yếu tố ảnh hưởng đến hồ chứa, nguồn nước như tình trạng phá rừng ở thượng lưu; sạt lở mùa mưa lũ, ảnh hưởng bồi lắng hồ chứa; hoặc việc khai thác đánh bắt thủy sản trên lòng hồ gần cận công trình cũng có thể gây mất an toàn. Vì thế, công ty đã hoàn thiện mốc hành lang bảo vệ hồ chứa để người dân địa phương xác định vùng, cao trình được phép sử dụng; phối hợp, tham mưu cho chính quyền, cơ quan, ban, ngành, địa phương về việc xác định các công trình xây dựng gần khu vực hành lang hồ chứa để tránh vi phạm; tăng cường kiểm tra lòng hồ thường xuyên nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm hành lang. Chú trọng, quan tâm phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân trên địa bàn hoạt động.

Ông Vũ Khắc Thư - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên EVN:

Trong quý IV/2015, Đoàn Thanh niên EVN sẽ tiếp tục phối hợp với các công ty thủy điện triển khai chương trình tuyên truyền bảo vệ vùng bán ngập lòng hồ, vùng hạ du các công trình thủy điện Trị An, Ialy và Sơn La..., nâng cao nhận thức của người dân địa phương để bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chống xâm lấn lòng hồ thủy điện, vùng bán ngập hạ du.
Theo: Báo Công thương