Ông Nguyễn Tấn Lộc cho hay, với khách hàng có thời gian cấp điện trên 70 ngày là do khách hàng mất nhiều thời gian hoàn chỉnh hồ sơ cho các cơ quan thẩm quyền phê duyệt; khách hàng thiếu vốn đầu tư, ngừng thi công hoặc vướng mặt bằng. Thêm vào đó, năng lực của một số điện lực chưa đáp ứng được yêu cầu, một số địa phương lưới điện quá tải do phụ tải phát triển nhanh không theo quy hoạch, đơn cử như khu vực nuôi tôm ở ĐBSCL.
Ngoài ra theo quy định cũ, tổng số thời gian để giải quyết hồ sơ từ tiếp nhận đề nghị của khách hàng đến nghiệm thu đóng điện, ký kết hợp đồng mua bán điện phải qua 14 loại thủ tục có liên quan đến nhiều cơ quan và thời gian thực hiện là 132 ngày, trong đó EVN thực hiện 60 ngày và cơ quan nhà nước thực hiện 72 ngày, với điều kiện hồ sơ đầy đủ.
Như vậy, có thể thấy thời gian tiếp cận điện năng kéo dài có nhiều nguyên nhân từ việc một số thủ tục còn rườm rà, nhiều hạng mục, tốn nhiều thời gian phê duyệt... trong đó có cả nguyên nhân chậm đến từ phía khách hàng.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Theo EVN, muốn cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng, đòi hỏi tất cả các bên cùng vào cuộc đồng bộ. Cụ thể, các bộ, ngành liên quan cần sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết. UBND các địa phương chỉ đạo các ban, ngành trực thuộc nghiêm túc và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, còn đối với doanh nghiệp mua và bán điện tích cực thỏa thuận phương án triển khai sao cho hiệu quả nhất.
Ông Nguyễn Tấn Lộc cho biết, EVN đã đưa ra các giải pháp cụ thể, quyết tâm rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng. Đặc biệt, Tập đoàn đã ban hành quy trình cấp điện mới với những quy định cụ thể về thời gian thực hiện từng thủ tục, từng yêu cầu của khách hàng; triển khai cấp điện cho khách hàng theo phương châm “3 dễ” (dễ tiếp cận, dễ tham gia và dễ giám sát); thực hiện chế độ 1 cửa; niêm yết công khai các thủ tục, lưu sơ đồ cấp điện tại phòng giao dịch khách hàng... Cùng với đó, EVN cũng yêu cầu các tổng công ty phải có những chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các giải pháp cụ thể thực hiện đúng cam kết đối với khách hàng, từ khi nhận đơn đến khi nghiệm thu là 18 ngày...
Theo các địa phương, hiện vẫn còn nhiều thủ tục trùng lặp giữa các cơ quan, đơn vị, điển hình là việc thẩm tra thiết kế, nghiệm thu đóng điện; ở một số công trình, các đơn vị tư vấn không đủ năng lực, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của cơ quan thẩm tra...
Ông Lê Tuấn Phong- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho biết, Bộ Công Thương sẽ có đánh giá kết quả thực hiện các trình tự, thủ tục tiếp cận điện năng theo quy định tại Thông tư 33, từ đó tiếp tục nghiên cứu, xem xét và triển khai đồng bộ các giải pháp để có thể rút ngắn thời gian tiếp cận điện năng, đặc biệt là thủ tục thỏa thuận vị trí cột/trạm điện và hành lang lưới điện, cấp phép thi công xây dựng công trình điện.
Theo Thông tư 33/2014/TT-BCT (có hiệu lực từ ngày 25.11.2014), thời gian tiếp cận điện năng của khách hàng mua điện đề nghị đấu nối vào lưới điện trung áp được rút xuống còn từ 36 - 41 ngày; trong đó thời gian thực hiện thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước là 18 - 23 ngày, thời gian thực hiện thủ tục của các đơn vị điện lực là 18 ngày. |