Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 30 điểm cầu của các đơn vị thành viên EVN.
Tham dự Hội nghị, có bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về phía EVN, có ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc tập đoàn.
Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT được ban hành ngày 31/5/2022, gồm 5 chương, 39 điều, quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thông tư sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2022.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, Hội nghị nhằm cập nhật các thông tin hướng dẫn mới nhất về đấu thầu qua mạng theo Thông tư 08 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới được ban hành. Qua đó, giúp tất cả các cán bộ làm công tác đấu thầu tại EVN và các đơn vị thành viên cấp 2, cấp 3 được cập nhật các quy định pháp luật mới nhất về đấu thầu qua mạng cũng như có cơ hội tìm hiểu sơ lược về Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia mới.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phổ biến và giải đáp các thắc mắc liên quan đến Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT; Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia cũng đã giới thiệu (demo) về hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới.
Tham dự hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung phân tích các ảnh hưởng, tác động của Thông tư 08 đối với hoạt động đấu thầu tại EVN và các đơn vị.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm trung bình EVN đầu tư thuần khoảng 50.000 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng. Đặc biệt năm 2021, riêng khối lượng đầu tư của EVN lên tới khoảng trên 82.000 tỷ đồng. Chi phí sản xuất kinh doanh hàng năm cũng có giá trị rất lớn, khoảng trên dưới 40.000 tỷ đồng.
Với một khối lượng chi phí đầu tư xây dựng và sản xuất kinh doanh lớn, EVN luôn chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực để tiến tới trở thành doanh nghiệp số. Riêng trong lĩnh vực đấu thầu, từ khi Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia mới được đưa vào thử nghiệm từ năm 2009 đến nay, EVN luôn ủng hộ và tiên phong phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai thực hiện.
Để thực hiện được mục tiêu “cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả” trong công tác đấu thầu/mua sắm, EVN liên tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng hệ thống quy chế, quy định, quy trình nội bộ để làm cơ sở triển khai các hoạt động mua sắm, đấu thầu; xây dựng các tiêu chí cụ thể về đấu thầu trong hệ thống chấm điểm thi đua tối ưu hoá chi phí trong toàn EVN, đánh giá theo từng năm đối với từng đơn vị và những người đứng đầu các đơn vị; thường xuyên phổ biến, quán triệt quy định về đấu thầu; liên tục tổ chức đào tạo, tập huấn, hội nghị chuyên sâu về công tác đấu thầu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu; Đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; triển khai ứng dụng mạnh mẽ phần mềm đầu tư xây dựng (bao gồm module đấu thầu).
Đặc biệt, công tác đấu thầu qua mạng của toàn tập đoàn tăng nhanh cả về số các đơn vị tham gia, số lượng gói thầu cũng như giá trị các gói thầu. Cụ thể, trong 2021, tổng cộng 16.068 gói thầu đã thực hiện thành công qua mạng trong cả lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh với tổng giá trị trúng thầu vào khoảng 59.498 tỷ đồng. Nhiều gói thầu có quy mô, giá trị lớn, tính chất phức tạp đã được EVN nỗ lực tìm ra các giải pháp để tổ chức đấu thầu qua mạng thành công.
Trong 06 tháng đầu năm 2022, đã có 5.230 gói thầu được đấu thầu qua mạng trong tTổng số 5.276 gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh, đạt tỷ lệ trên 99% về số lượng và khoảng 94% về giá trị các gói thầu.