Ảnh minh họa.
PV: Thưa ông, vì sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại lựa chọn làm nhà tài trợ chính cho sự kiện Giờ trái đất suốt 11 năm qua ?
Ông Trần Viết Nguyên: Giờ trái đất được phát động bởi Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu (WWF). Đây là một chiến dịch mang ý nghĩa sâu sắc và có tác động to lớn trong việc nâng cao ý thức của cộng đồng xã hội về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Là doanh nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, EVN luôn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội.
Ngoài ra, việc sử dụng điện tiết kiệm không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tiết kiệm chi phí, đồng thời giúp EVN giảm áp lực đầu tư hệ thống nguồn điện, lưới điện, nhằm đảm bảo cung cấp điện một cách an toàn, ổn định và tin cậy.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được EVN ưu tiên thực hiện. EVN tiếp tục đồng hành cùng Giờ trái đất để triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, kêu gọi cộng đồng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Thông điệp của Giờ trái đất 2019 là “Tiết kiệm năng lượng - Bảo vệ trái đất”. Đây là một thông điệp rất quan trọng của toàn cầu khi trái đất của chúng ta đang chịu nhiều tác động bởi thiên nhiên, sự khai thác các nguồn tài nguyên, năng lượng sơ cấp...
Đối với Việt Nam chúng ta lại cần thiết hơn khi sử dụng năng lượng ở Việt Nam còn rất lãng phí (minh chứng qua các con số như: cường độ sử dụng năng lượng ở Việt Nam thuộc nước có sử dụng năng lượng cao nhất trong khu vực và thế giới; Tăng trưởng điện thương phẩm tiếp tục tăng cao, bình quân 12% (2003 – 2018) và dự báo sẽ tiếp tục tăng hơn 10% (2015 – 2020); Nhu cầu sử dụng điện của toàn nền kinh tế chúng ta đã tăng hơn 5 lần (sau 15 năm, từ năm 2003 – 2018). Vì vậy, hơn bao giờ hết, để phát triển kinh tế- xã hội một cách bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất, chúng ta phải sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm; “tiết kiệm năng lượng để bảo vệ trái đất”.
PV: Thưa ông, EVN triển khai những hoạt động gì cho chiến dịch Giờ trái đất 2019 ?
Ông Trần Viết Nguyên: Để tích cực tham gia chiến dịch Giờ trái đất, EVN chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc và toàn thể CBCNV Tập đoàn tham gia các hoạt động hưởng ứng Giờ trái đất tại cơ quan, gia đình và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngoài ra, các Tổng công ty điện lực, công ty điện lực chủ động phối hợp với Sở Công Thương, UBND và các cơ quan đoàn thể thuộc các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động hưởng ứng như: Treo băng rôn tại trụ sở; phát tờ rơi, poster, tài liệu hướng dẫn sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; đi bộ, đạp xe đạp cổ động; trồng cây; thu gom tái chế rác thải…; phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống thông tin cơ sở của địa phương tích cực tuyên truyền, cổ động cho chiến dịch Giờ trái đất và các hoạt động tiết kiệm điện.
Đặc biệt, EVN còn viết thư kêu gọi toàn thể CBCNV, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên lan tỏa thông điệp của chiến dịch trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, để đưa chiến dịch đến đông đảo cộng đồng.
PV: Cụ thể về kế hoạch truyền thông cũng như các giải pháp tiết kiệm điện của EVN trong năm 2019 này như thế nào ?
Ông Trần Viết Nguyên: Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ (chương trình Quốc gia về DSM, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NLTK&HQ) giai đoạn 2019 – 2030), chúng tôi đang xây dựng chiến lược truyền thông và các giải pháp về các chương trình tiết kiệm năng lượng/quản lý phía nhu cầu (DSM) giai đoạn 2019 – 2030, với mục tiêu EVN tiếp tục là đơn vị đi đầu, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện đồng thời thực hiện các giải pháp, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tới khách hàng sử dụng điện; Góp phần tích cực trong chuyển đổi thị trường sử dụng các thiết bị, công nghệ và dịch vụ tiết kiệm năng lượng một cách rộng rãi và phổ cập; Khuyến khích thúc đẩy phát triển mạnh mẽ điện mặt trời áp mái (ĐMTAM), nhằm đa dạng hóa các nguồn điện; Tuyên truyền quảng bá sâu rộng về các chương trình quản lý phía nhu cầu (DSM) và các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về sử dụng điện tiết kiệm điện và hiệu quả; Góp phần giảm hệ số đàn hồi điện, cường độ sử dụng điện xuống theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Các giải pháp chính được EVN tập trung triển khai thực hiện, đó là: Tập trung mạnh vào các chương trình tuyên truyền cơ chế, chính sách pháp luật nhà nước về sử dụng NLTK&HQ, kèm theo tư vấn các giải pháp, cách thức sử dụng điện an toàn – tiết kiệm – hiệu quả; Hỗ trợ, thúc đẩy thí điểm các mô hình tiết kiệm điện có khả năng triển khai rộng rãi trên thị trường; Tư vấn, cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện theo nhu cầu thị trường/khách hàng. EVN cũng sẽ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chương trình sử dụng NLTK&HQ.
PV: Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi !