Chuyển đổi số trong EVN

EVNGENCO3- Chuyển đổi số từ nhận thức sang hành động

Thứ sáu, 22/10/2021 | 11:27 GMT+7
“Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam” được EVN lựa chọn làm chủ đề của năm 2021”. Để chuyển đổi số thành công bên cạnh các yếu tố về công nghệ, Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3)- đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã từng bước chuyển đổi từ nhận thức sang hành động.

Việc triển khai nhật ký vận hành điện tử tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương bước đầu đã mang lại một số hiệu quả.

Nâng cao nhận thức cho người lao động
 
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự bùng phát của đại dịch Covid-19 cho thấy, chuyển đổi số đã giúp thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn cho doanh nghiệp.
 
Theo ông Lê Văn Danh - Tổng giám đốc EVNGENCO3, những hiệu quả, lợi ích to lớn mà chuyển đổi số và việc ứng dụng công nghệ 4.0 đã mang lại cho ngành điện nói chung và Tổng Công ty nói riêng. Việc số hóa trong công tác quản trị và quản lý vận hành, sửa chữa các nhà máy điện của EVNGENCO3 đã mang lại hiệu quả tích cực cho đơn vị cũng như Tổng công ty, cụ thể như: nhật ký vận hành điện tử, văn phòng điện tử e-office; quản lý kho vật tư bằng mã vạch, kiểm tra xác định hư hỏng thiết bị lò hơi bằng hình ảnh từ fly cam, ứng dụng các phần mềm quản lý ERP...
 
Tuy nhiên chuyển đổi số không chỉ thay đổi về hạ tầng vật chất mà còn phải thay đổi về ý thức. Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6/2020 cũng nêu rõ quan điểm "chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức"; "nhận thức đóng vai trò quyết định và người dân là trung tâm của chuyển đổi số". Nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ chuyển đổi về nhận thức.
 
Nhận thức được điều đó, EVNGENCO3 đã tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho lãnh đạo cấp cao, cấp trung và toàn thể người lao động về các vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số, các công nghệ phục vụ để chuyển đổi số, chuyển đổi số đã và đang diễn ra như thế nào và ảnh hưởng của nó đến hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời 100% lãnh đạo, CBCNV của tổng công ty đã cam kết cùng tham gia vào chuyển đổi số.
 
Triển khai tại doanh nghiệp
 
Tại Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (đơn vị thuộc EVNGENCO3), để nâng cao công tác phòng chống thiên tai trên các địa bàn có nhà máy do công ty quản lý, đơn vị này đã đưa ra một số giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin.
 
Theo đó, căn cứ phương án phối hợp phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) trong mùa lũ năm 2021 đã được thống nhất giữa các đơn vị thủy điện và địa phương, theo chỉ đạo của EVN và EVNGENCO3 về công tác PCTT&TKCN trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, công ty đã ưu tiên phương án kết nối, chỉ đạo trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (điện thoại, email, D-Office, Zoom Meeting, Microsoft Team, Zalo…) để phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy PCTT&TKCN trong mùa lũ 2021.
 
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống thiên tai
Công ty Thủy điện Buôn Kuốp ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống thiên tai.

Bên cạnh đó, công ty cũng chủ động gửi Quy chế phối hợp và toàn bộ các tài liệu có liên quan đến Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương vùng hạ du; lập 3 nhóm Zalo có sự tham gia của thành viên Ban chỉ huy cấp huyện, xã và cả nhóm dân cư các địa phương này, nhằm chủ động trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện phương án đối với 3 hồ chứa, gồm: Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Srêpốk 3. Ngoài ra, công ty cũng đã thiết lập và chia sẻ rộng rãi đường link về thông số vận hành các hồ chứa tại trang web http://buonkuop.vn:2016/pclb/qve.aspx để chính quyền và nhân dân theo dõi, chủ động ứng phó kịp thời.
 
Cũng là thành viên của EVNGENCO3, tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương, nhằm thực hiện chuyển đổi số theo chủ trương của EVN và tổng công ty, đơn vị này đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp, trong đó có việc triển khai nhật ký vận hành điện tử thay vì viết tay như trước kia.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Công ty Nhiệt điện Mông Dương: Nhật ký vận hành điện tử có chức năng ghi nhận, đánh giá thông số vận hành, ghi nhật ký vận hành, việc này sẽ thay thế cho việc ghi chép bằng tay trên file giấy, giúp ích cho việc lưu trữ và tra cứu thông tin nhanh chóng. Công ty đã thực hiện theo kế hoạch triển khai phần mềm nhật ký vận hành điện tử Elogbook của tổng công ty. Việc triển khai vận hành thử nghiệm module sổ nhật ký vận hành điện tử Elogbook sẽ góp phần để chuyển đổi số và thực hiện số hóa theo kế hoạch của EVN.
 
Phần mềm nhật ký vận hành điện tử được xây dựng trên hệ điều hành Android và Ios, được cài đặt trên các máy tính bảng của các vận hành viên, có chức năng nhận dạng thiết bị thông qua các thẻ RFID giúp ca vận hành truy xuất bảng ghi thông số để nhập và lưu thông số vào bảng ghi một cách nhanh chóng. Dữ liệu sau khi được các vận hành viên nhập sẽ được lưu tạm thời vào bộ nhớ của máy tính bảng, sau đó được đồng bộ về máy tính chủ thông qua web service đồng bộ dữ liệu. Web service này được cài đặt trên máy chủ, dùng để đồng bộ dữ liệu từ các máy tính bảng đến máy chủ và ngược lại. Website quản lý nhật ký vận hành điện tử cho phép các ca vận hành nhập dữ liệu nhật ký vận hành; tổng hợp, tìm kiếm, thống kê và in báo cáo nhật ký vận hành, bảng ghi thông số thiết bị, giúp dễ dàng theo dõi, xử lý và nâng cao hiệu quả điều hành.
 
Nằm trong định hướng chung của EVN, EVNGENCO3 cũng định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động nhằm đưa EVNGENCO3 trở thành một doanh nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương