EVNGENCO3 tập trung phát sản lượng cao các nhà máy thủy điện trong tháng 10/2021

Thứ hai, 15/11/2021 | 16:08 GMT+7
Với nhu cầu phụ tải hồi phục sau khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, EVNGENCO3 tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Doanh thu 10 tháng năm 2021 công ty mẹ ước đạt 30.260 tỷ đồng.
Doanh thu Nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp – đơn vị thành viên của EVNGENCO3 tăng trong tháng 10/2021.
 
Theo bản tin hàng tháng Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO3, mã PGV - HoSE) vừa gửi nhà đầu tư, sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ đạt 2.091 triệu kWh trong tháng 10/2021, tăng 15% so với tháng liền trước. Đây cũng là tháng thứ hai liên tiếp sản lượng điện sản xuất hồi phục sau khi giảm mạnh hồi tháng 8/2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và chính sách giãn cách xã hội. Luỹ kế 10 tháng năm 2021, sản lượng điện sản xuất của công ty mẹ đạt 22.179 triệu kWh, bằng 85,3% cùng kỳ năm 2020.
 
Dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, giúp sản xuất hồi phục trong tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, theo số liệu do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố, tổng lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện vẫn tương đối thấp, đạt 20,28 tỷ kWh, giảm 0,3% so với cùng kỳ. Sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống điện lũy kế 10 tháng đầu năm 2021 ước đạt 213,08 tỷ kWh, cũng chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ.
 
“Nhu cầu phụ tải hệ thống điện giảm thấp, đặc biệt phụ tải khu vực miền Nam. Các nhà máy điện Phú Mỹ vì vậy được huy động thấp”, phía công ty cho hay. Theo báo cáo, tại Thuỷ điện Buôn Kuốp và Nhiệt điện Mông Dương, sản lượng điện sản xuất vẫn vượt lần lượt hơn 3% và 10,5% kế hoạch của tháng.
 
Doanh thu 10 tháng đầu năm 2021 công ty mẹ ước thực hiện là 30.260 tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ (39.791 tỷ đồng). Tại nhà máy thuỷ điện Buôn Kuốp, doanh thu sản xuất điện đã tăng gần 2,2% trong khi 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng âm. Doanh thu của nhà máy thuỷ điện này đạt 254 tỷ đồng trong riêng tháng 10, qua đó giúp lấy lại được đà tăng trưởng và nâng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2021 lên 1.233 tỷ đồng.
 
EVNGENCO3 cho biết các nhà máy điện thuộc Tổng công ty đảm bảo nhiêu liệu than, dầu và duy trì tồn kho tối ưu cho sản xuất. Sản lượng khí tiêu thụ của các nhà máy điện Phú Mỹ trung bình đạt khoảng 3,9 triệu m3/ngày, cao hơn trung bình tháng 9; trong đó sản lượng khí tiêu thụ cao nhất là 6,6 triệu m3/ngày, thấp nhất là 1,9 triệu m3/ngày. Giá khí nhiên liệu tháng 10 đạt 7,586 USD/MMBTU, tăng 47,72% so với cùng kỳ nhưng đã giảm đáng kể so với mức bình quân của tháng 9 trước đó.
 
Cũng trong quý III, Tổng công ty đã hoàn thành trung tu tổ máy GT22 thuộc Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 sau 28 ngày ngừng máy bảo dưỡng. Công trình trung tu đạt chất lượng, vượt tiến độ 2 ngày và đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 với toàn bộ lực lượng tham gia sửa chữa thực hiện 3 tại chỗ, cắm trại tập trung trong nhà máy.
 
Bên cạnh đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát, Tổng công ty Phát điện 3 cũng tiếp tục thực hiện các chương trình xã hội thiết thực. Đầu tháng 11 vừa qua, EVNGENCO3 đã tham gia đồng hành tài trợ chương trình “Học đường niềm tin” chăm lo cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mất cha mẹ do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP. HCM. Theo đó, Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Công Thương tại TP. HCM cùng ba doanh nghiệp trên sẽ hỗ trợ cho 98 em học sinh mỗi tháng 2 triệu đồng từ tháng 10/2021 cho đến khi hoàn thành chương trình học lớp 12. Tổng kinh phí tài trợ cho chương trình dự kiến khoảng 13 tỷ đồng.
 
Trước đó, EVNGENCO3 cũng là đơn vị tài trợ và đồng hành với Chương trình “ATM Oxy Thủ Đức miễn phí” từ giữa tháng 8/2021 – thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại TP. HCM. Với sự tham gia của nhiều cán bộ công đoàn, đoàn viên của EVNGENCO3 và các tình nguyện viên, sau gần 3 tháng hoạt động, chương trình đã cung cấp hơn 490 lượt bình oxy miễn phí, hỗ trợ cấp cứu được hơn 180 ca, bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, khó thở, cần khí oxy khẩn cấp trên địa bàn TP. Thủ Đức và một số quận, huyện tại TP.HCM.
 
Tổng công ty còn tham gia đồng tài trợ công trình hệ thống khí nén y tế cho khu điều trị Cát Tường tại Bệnh viện Hùng Vương với quy mô 120 giường bệnh và hệ thống cấp oxy dòng cao, hệ thống cung cấp không khí cùng hệ thống hút chân không cho 378 giường của Khu 5 tầng và khu nhiễm A, D tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Tổng giá trị thực hiện hai công trình này lần lượt khoảng 2,8 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng. Những hoạt động trên được triển khai sớm ngay ở thời điểm dịch Covid-19 bùng phát diện rộng, góp phần chung sức cùng ngành y tế TP. HCM đẩy lùi dịch bệnh.

Link gốc
Theo: Báo Đầu tư