Nhân viên của EVNHCM tuyên truyền cho người dân về phòng chống cháy nổ sau công tơ điện. Ảnh: TN
Qua khảo sát của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) tại các khu vực dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; nhà ở liền kề chợ; các chung cư cũ…, hệ thống dây dẫn điện trong nhà không phù hợp, lắp đặt đấu nối không đúng kỹ thuật, chập điện trong nhà…. là một trong những nguyên nhân gây chạm, chập điện trong nhà dân.
Trước thực trạng trên, EVNHCMC đã chủ động tuyên truyền phòng chống cháy nổ sau công tơ điện.
Tư vấn sử dụng điện an toàn, đặc biệt ở chung cư cũ
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, hiện trên địa bàn TP có nhiều chung cư cũ, hạ tầng điện không đảm bảo an toàn. Điều này đặt ra thách thức lớn trong đảm bảo an toàn điện trong khi nhu cầu sử dụng điện của người dân là rất lớn.
Tại chung cư 364 Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh có mật độ dân cư rất lớn, chung cư cũ, song nhu cầu sử dụng điện rất cao. Đa phần các hộ dân đều sử dụng máy lạnh, hệ thống chiếu sáng, ti vi, bếp từ…
Chị Dương Kim Liên (sinh sống tại chung cư 364 Phan Văn Trị) cho biết do hạ tầng điện cũ nên để đảm bảo an toàn điện, người dân thường tham vấn ý kiến ngành điện trước khi lắp đặt các thiết bị điện. Trường hợp không đảm bảo sẽ thay đổi đường dây, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng phòng chống cháy nổ có thể xảy ra.
Hiện có gần 350 ngàn hộ gia đình được ngành điện TP khảo sát và tư vấn về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
Về vấn đề này, EVNHCMC cho biết thực trạng sử dụng điện của các hộ dân, hộ kinh doanh và chung cư cũ trên địa bàn TP có sự đa dạng về mức độ đầu tư và sử dụng.
Qua quá trình khảo sát thực tế, đối với các cơ sở xây dựng mới thường có hệ thống điện đảm bảo an toàn, trong khi đó các hộ gia đình, hộ kinh doanh, chung cư cũ thường gặp phải tình trạng hạ tầng điện cũ kỹ, không đảm bảo an toàn điện. Hệ thống dây dẫn điện trong nhà không phù hợp với phụ tải, đấu nối không đúng kỹ thuật; không sử dụng thiết bị bảo vệ phù hợp với phụ tải; dây dẫn điện, thiết bị điện cũ sử dụng lâu ngày, không được kiểm tra bảo trì bảo dưỡng, thay thế.
Hoặc do thói quen sử dụng điện của người dân không đảm bảo an toàn điện, như: để các chất dễ cháy (gas, xăng, dầu, giấy, vải…) gần dây điện và thiết bị sinh nhiệt; quên rút phích cắm bàn ủi, quạt, lò điện... sau khi sử dụng xong; sử dụng một ổ cắm điện cho nhiều thiết bị điện… Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo an toàn điện, đặc biệt là phòng chống cháy nổ.
Phối hợp với địa phương để đảm bảo an toàn điện
Ông Luân Quốc Hưng, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC, cho biết theo quy định, ranh giới quản lý phân định trách nhiệm nằm ở công tơ cung cấp điện. Phía trước công tơ do ngành điện quản lý, EVNHCMC luôn tuân thủ các quy trình, quy định kỹ thuật, công nghệ mới để giảm thiếu các nguy cơ chạm, chập gây cháy nổ do sự cố lưới điện; phối hợp với cảnh sát PCCC trên địa bàn để cắt điện nhanh nhất, kịp thời phục vụ chữa cháy.
Phía sau công tơ là trách nhiệm quản lý của khách hàng, tuy nhiên rất nhiều những vụ việc cháy nổ có nguyên nhân trong việc sử dụng điện. Vì vậy, một trong những công tác trọng tâm của ngành điện TP là tư vấn, sử dụng điện an toàn trong nhân dân.
Từ năm 2017, được sự chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, sự ủng hộ của UBND TP, ngành điện đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với địa phương thực hiện khảo sát đánh giá tình trạng sử dụng điện trong các nhà ở hộ gia đình thuộc các khu vực dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; nhà ở liền kề chợ; các chung cư cũ… Từ đó, tư vấn sử dụng điện an toàn cho khách hàng trong quá trình khảo sát đánh giá, phối hợp kiểm tra lại các hộ có hệ thống điện không đảm bảo an toàn trong các đợt kiểm tra trước.
EVNHCMC cũng phối hợp địa phương, đơn vị tổ chức sự kiện, tổ chức kiểm tra việc sử dụng điện an toàn tại các khu vực tập trung đông người, chợ hoa, chợ đêm, khu vui chơi, hệ thống đèn trang trí đường phố...; khuyến nghị đơn vị chủ quản, đơn vị thi công thực hiện đúng biện pháp an toàn điện. Đến nay, có gần 350 ngàn hộ gia đình được ngành điện TP khảo sát và tư vấn về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm.
“Trong quá trình tư vấn sử dụng điện an toàn trong các hộ gia đình, chúng tôi đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng hệ thống điện trong nhà và các nguy cơ có thể xảy ra về mất an toàn, dễ cháy nổ trong sử dụng điện. Phối hợp với các hộ gia đình xử lý ngay các trường hợp tồn tại đơn giản như dây điện câu móc qua khe cửa sổ, mối nối hở, băng keo lão hóa hoặc bị bong tróc để đảm bảo an toàn. Các trường tồn tại phức tạp, ngành điện đã khuyến nghị với người dân phối hợp với các đơn vị có chuyên môn về kỹ thuật điện để khắc phục ngay các tồn tại, đảm bảo an toàn trong sử dụng điện” - Ông Luân Quốc Hưng cho biết.
Phối hợp với cảnh sát PCCC thống kê nguyên nhân gây cháy nổ trong sử dụng điện
Đối với điện quốc gia trên địa bàn TP, EVNHCMC luôn được quan tâm đảm bảo đầu tư, cải tạo, vận hành, sửa chữa bảo dưỡng theo hướng hiện đại và đảm bảo an toàn điện.
Hệ thống điện sau công tơ tuy không thuộc phạm vi quản lý của ngành điện, nhưng để đảm bảo an toàn điện của người dân, ngành điện đã thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả ngăn ngừa cháy nổ do sử dụng điện.
EVNHCMC kiến nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp, hỗ trợ ngành điện tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ ngành điện trong việc khảo sát, đánh giá và tư vấn cho khách hàng để nâng cao tính an toàn trong sử dụng điện.
Đối với cảnh sát PCCC, phối hợp thống kê các nguyên nhân gây cháy nổ trong quá trình sử dụng điện, như: yếu tố kỹ thuật, sử dụng điện bất cẩn, thiết bị không đảm bảo chất lượng, vi phạm các quy định về an toàn PCCC... để có các giải pháp cụ thể.
|
Link gốc