EVNNPT: An toàn lao động là ưu tiên hàng đầu
Do đặc thù ngành nghề tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, có hại, nên trong các giai đoạn phát triển của ngành điện, cũng như của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), công tác quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp luôn được lãnh đạo các cấp coi trọng hàng đầu.
Với phương châm: “An toàn là trên hết”, EVNNPT đã tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh công tác quản lý an toàn, tuyệt đối tuân thủ theo các quy định hiện hành về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Trong đó, EVNNPT phân định trách nhiệm cụ thể cho các bộ phận, người làm công tác an toàn, quan tâm đào tạo, huấn luyện người làm công tác an toàn đảm bảo có đủ năng lực để quản lý, giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, an toàn trong công các quản lý vận hành (QLVH) cũng như trong đầu tư xây dựng (ĐTXD). Đặc biệt, trụ sở làm việc các đơn vị trực thuộc, tổ, trạm biến áp, ngày càng khang trang sạch đẹp, người lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, dụng cụ, công cụ làm việc, phương tiện bảo vệ cá nhân.
Công tác kiểm tra, giám sát ATVSLĐ được EVNNPT đặc biệt quan tâm. Hàng năm, EVNNPT chỉ đạo các đơn vị lập và triển khai kế hoạch về công tác an toàn trong đó thực hiện tốt công tác huấn luyện định kỳ, thực hiện đúng Nghị định số 44/201/NĐ-CP ngày 15/5/2016 Quy định chi tiết một số điều của Luật ATVSLĐ về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động, Thông tư số 31/2014/TT-BCT ngày 2/10/2014 của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về an toàn điện. Các đơn vị lập kế hoạch, mua sắm và cấp phát đầy đủ về số lượng, chất lượng các trang bị dụng cụ kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động đáp ứng được yêu cầu về ATVSLĐ và đảm bảo an toàn cho người lao động…
Bên cạnh đó, công đoàn và chính quyền các đơn vị đã phát động các phong trào thi đua nhằm tạo ra một môi trường làm việc Sạch - Sáng - Xanh. Việc đo định kỳ các yếu tố độc hại trong môi trường lao động (nhiệt độ, bụi, độ ồn, rung, hơi khí độc, độ ẩm, ánh sáng,điện từ trường,…) đều được các đơn vị ký hợp đồng với các công ty có chức năng thực hiện.
Công tác chỉ đạo về phòng cháy chữa cháy (PCCN) trong toàn đơn vị được duy trì thường xuyên, nghiêm túc được thể hiện qua các văn bản chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc về công tác PCCN trong ĐTXD và quản lý vận hành QLVH lưới điện truyền tải…
Phòng điều khiển TTVH tại TBA 220 kV Nam Định.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác tổ chức vận hành, thi công, sửa chữa, thí nghiệm lưới điện EVNNPT sẽ tập trung xác định rõ quyền, trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí công tác trong vận hành, thi công, sửa chữa, thí nghiệm lưới điện; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với các yêu cầu của vị trí công việc đảm nhận; Lập kế hoạch sửa chữa lớn lưới điện và thực hiện kịp thời, đảm bảo chất lượng, tuân thủ các yêu cầu của Quy trình an toàn điện.
Đồng thời, vận hành thiết bị theo đúng quy trình: Ban hành các phiếu thao tác theo đúng mục đích, trình tự các bước thao tác, kiểm tra; Chuẩn bị vị trí làm việc đảm bảo loại trừ các yếu tố có hại, nguy hiểm; Kiểm tra tình trạng thiết bị định kỳ theo quy định, thực hiện công tác bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên; Công tác quản lý kỹ thuật hồ sơ, tài liệu (sơ đồ, lý lịch thiết bị…), hồ sơ vận hành (sổ vận hành, phiếu công tác, lệnh công tác, phiếu thao tác, sơ đồ thao tác, quy trình vận hành thiết bị…) và các tài liệu kỹ thuật khác…, để đảm bảo việc tuân thủ kỷ luật lao động, các quy trình quy định hiện hành thì phải thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các đơn vị cơ sở và định kỳ, đột xuất của Phòng/Ban, cán bộquản lý an toàn.
Từ khi thành lập đến nay, EVNNPT đã làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho người và vận hành lưới điện truyền tải. Trong giai đoạn tiếp theo với mục tiêu “An toàn là trên hết”, EVNNPT tiếp tục không ngừng củng cố bộ máy quản lý an toàn, liên tục cập nhật đánh giá các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc và có các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp…