EVNNPT tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức triển khai hệ thống GIS

Thứ năm, 19/11/2020 | 14:56 GMT+7
Mới đây, EVNNPT đã tổ chức Khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức triển khai hệ thống GIS cho CBCNV làm công tác kỹ thuật, đầu tư, công nghệ thông tin của EVNNPT trong 2 ngày. 

TS. Lê Hồng Anh - Trưởng Khoa CNTT, đại diện Trung tâm Hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật, Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại Khóa đào tạo.
 
Khóa đào tạo được EVNNPT giao Công ty Truyền tải điện 1 tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao kiến thức về công nghệ GIS (Geographic Information System - Hệ thống thông tin địa lý), chuẩn bị cho việc tiếp nhận, triển khai, vận hành hệ thống GIS của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) sau khi đưa vào sử dụng.
 
Hướng dẫn đào tạo là lãnh đạo Khoa Công nghệ thông tin – Trường Đại học Mỏ - Địa chất.

 
Căn cứ định hướng của EVNNPT, hệ thống GIS sau khi triển khai sẽ hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu không gian của lưới truyền tải thống nhất trong toàn EVNNPT; hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm, thống kê, báo cáo các thông tin thuộc mạng lưới điện như trạm biến áp, lộ đường dây, cột điện trên nền bản đồ GIS; quản lý và phân tích mạng nhằm phát hiện các vấn đề về chất lượng, hiệu ứng vận hành mạng truyền tải theo khu vực địa lý và các tác động của các thao tác vận hành đến việc cung cấp, truyền tải điện; cho phép chia sẻ các đơn vị liên quan trong việc tra cứu, liên kết dữ liệu trong các ứng dụng ngoài hiện trường.
 
Mở đầu khóa đào tạo, đại diện đơn vị tham gia công tác giảng dạy, TS. Lê Hồng Anh - Trưởng Khoa CNTT, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã khái quát hoạt động nghiên cứu về công nghệ GIS của khối trường đại học trong nước và tầm nhìn của Đại học Mỏ - Địa chất trong công tác nghiên cứu, ứng dụng GIS.
 
Trong suốt thời gian diễn ra khóa đào tạo, các CBCNV của EVNNPT đã được tiếp cận các khái niệm tổng quan về GIS và các bài toán ứng dụng GIS trong ngành điện; dữ liệu GIS, các sản phẩm GIS thương mại và mã nguồn mở; tạo mới, thu thập, biên tập và chuẩn hóa dữ liệu; các hệ tọa độ, các công cụ truy vấn, phân tích; quản trị dữ liệu và khai thác dữ liệu GIS (thống kê, báo cáo, phân tích); liên kết dữ liệu với các hệ thống khác.
 
Trong phần thực hành, các học viên đã được hiện thực hóa lý thuyết về GIS trong việc bóc tách dữ liệu hệ thống quan trắc sét, liên kết dữ liệu này vào trong hệ thống GIS nền và thực hiện các bài toán thống kê cú sét theo vùng, thời gian, đo khoảng cách một điểm sét cụ thể với đường dây tải điện…
 
 
Cuối buổi đào tạo, đại diện lãnh đạo Khoa CNTT của Đại học Mỏ - Địa chất, TS. Lê Hồng Anh và TS. Nguyễn Mai Dung đã trực tiếp trao đổi cùng học viên về kinh nghiệm triển khai, quản lý phát triển hệ thống trong tương lai, các dữ liệu thông tin địa lý có thể tích hợp và các ứng dụng thực tiễn trong từng vị trí công việc của học viên.
Theo: NPT