Tổng giám đốc EVNNPT Nguyễn Tuấn Tùng.
Đặc biệt là kế hoạch của EVNNPT trong việc phát triển đồng bộ luới truyền tải điện để truyền tải các nguồn điện năng lượng tái tạo và các giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Năng lượng Việt Nam: Nhân dịp Xuân năm 2019, xin ông cho biết một vài nét chính trong hoạt động và những kết quả đạt được của EVNNPT trong năm 2018 vừa qua?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Trong năm 2018, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, tập thể Lãnh đạo và sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên EVNNPT cùng sự ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chính quyền các địa phương, EVNNPT đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Thứ nhất: Đảm bảo vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, với sản lượng điện truyền tải 184,5 tỷ kWh, đạt 101,8% kế hoạch giao, tăng 11,03% so với năm 2017. Trong năm, không để xảy ra sự cố làm gián đoạn việc cung cấp điện cho phụ tải, hoặc gây mất điện trên diện rộng. Các sự cố đã được EVNNPT tập trung xử lý nhanh và kịp thời. EVNNPT đã góp phần quan trọng cùng EVN đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai: Trong công tác đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia, mặc dù tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB), nhưng EVNNPT đã rất cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các công trình lưới truyền tải điện trọng điểm, cấp bách đã được hoàn thành đưa vào vận hành đúng tiến độ. Trong năm 2018, EVNNPT đã khởi công được 43 dự án, bao gồm nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện, nâng cao năng lực hệ thống truyền tải điện và đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải.
Đặc biệt, EVNNPT đã khởi công các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Trung tâm Điện lực Vũng Áng đến trạm biến áp (TBA) 500 kV Pleiku 2, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Năm 2018, Tổng công ty đã hoàn thành đưa vào vận hành 54 dự án, trong đó có các dự án quan trọng đảm bảo cấp điện cho TP. Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm miền Bắc để đảm bảo truyền tải hết công suất phát của các nhà máy điện; đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, khu vực; giải quyết tình trạng đầy, quá tải của các đường dây, TBA và nâng cao độ ổn định, tin cậy của hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Cụ thể là: Đường dây 500/220 kV Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2; nâng công suất các TBA 500 kV: Phố Nối, Đông Anh; các TBA 220 kV: Phú Thọ, Nông Cống, Lưu Xá, Quang Châu, Quỳnh Lưu; các dự án trọng điểm đảm bảo cấp điện cho miền Nam: nâng công suất TBA 500 kV Tân Định; các TBA 220 kV: Cần Thơ, Bến Cát; nâng công suất các TBA 220 kV: Đức Hòa, Uyên Hưng, Vũng Tầu; các dự án đấu nối, giải tỏa công suất nguồn điện: TBA 500 kV Lai Châu, nâng công suất TBA 500 kV Sơn La; đường dây 500 kV từ Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân về TBA 500 kV Sông Mây; nâng công suất các TBA 220 kV: Hà Giang, Tuyên Quang, Bảo Thắng, Bảo Lâm,...
Thứ ba: Công tác tài chính, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, các chỉ tiêu tài chính của Tổng công ty đáp ứng quy định và yêu cầu. Cụ thể, doanh thu năm 2018 là 20.402 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2017; hoàn thành quyết toán 73 so với 69 công trình theo kế hoạch giao, đảm bảo đúng quy định của Bộ Tài chính về quyết toán các công trình đầu tư xây dựng. Mặt khác, Tổng công ty đã và đang tích cực triển khai các phương án thu xếp vốn không có bảo lãnh của Chính phủ cho các dự án đầu tư xây dựng.
Thứ tư: Hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động theo kế hoạch EVN giao. Năm 2018, mặc dù khối lượng quản lý vận hành đường dây tăng 2,1%, dung lượng máy biến áp tăng 14,2%, nhưng số lượng lao động của Tổng công ty vẫn giảm 260 người (3,4%) so với cuối năm 2017. Năng suất lao động của Tổng công ty năm 2018 đạt 29,06 triệu kWh/lao động, vượt mức chỉ tiêu được giao 5,7%, tăng 20,33% so với năm 2017.
Thứ năm: Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được đẩy mạnh, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, trong đó đặc biệt chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật và xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi của Tổng công ty.
Thứ sáu: Việc ứng dụng tiến bộ khoa, học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đặc biệt là các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư vào các lĩnh vực hoạt động của EVNNPT ngày càng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động.
Thứ bảy: Năm 2018, Tổng công ty đã ban hành Chiến lược phát triển EVNNPT đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, là "kim chỉ nam" cho mọi hành động trong những chặng đường tiếp theo. Hiện nay, EVNNPT đang triển khai xây dựng các Chiến lược thành phần và thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo lộ trình để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Thứ tám: Trong những năm qua, EVNNPT luôn coi trọng đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập EVNNPT (01/7/2008 - 01/7/2018), EVNNPT đã tổ chức rà soát, sửa đổi, hoàn thiện tài liệu Văn hóa EVNNPT; phát "Sổ tay Văn hóa EVNNPT" tới toàn thể cán bộ công nhân viên; đã sản xuất tài liệu "Văn hóa EVNNPT" theo định dạng audio, đăng tải trên Website nội bộ và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến văn hóa EVNNPT. Văn hóa EVNNPT là nền tảng cơ sở cho sự phát triển bền vững của EVNNPT.
Thứ chín: EVNNPT đã hoàn thành kế hoạch truyền thông năm 2018 do EVN giao; đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác và phối hợp tốt với nhiều cơ quan thông tấn, báo chí có uy tín và tầm ảnh hưởng rộng trong xã hội để tuyên truyền, phổ biến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng, bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia của EVNNPT và các đơn vị.
Các mặt hoạt động khác của Tổng công ty cũng đều đạt kết quả tốt.
Năng lượng Việt Nam: Với những nhận định về khó khăn trong đảm bảo cung cấp điện trong năm 2019 và các năm tiếp theo, đặc biệt là việc chậm trễ đưa vào các nguồn điện khu vực miền Nam, xin ông cho biết nhận định của EVNNPT về vấn đề này, các kiến nghị và giải pháp khắc phục?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Việc một số dự án nguồn điện tại khu vực miền Nam (như các nhà máy điện thuộc các Trung tâm Điện lực Long Phú, Sông Hậu,...) bị chậm tiến độ đã gây khó khăn rất lớn cho EVNNPT trong việc quản lý vận hành và tạo sức ép lớn lên đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và miền Nam nói riêng.
Cụ thể, trong những năm gần đây và năm 2018, hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam luôn phải vận hành trong điều kiện đầy và quá tải để truyền tải sản lượng điện lớn từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, tương đương khoảng 20% nhu cầu điện của miền Nam. Điều này làm tăng nguy cơ sự cố và tổn thất điện năng của hệ thống truyền tải điện, nhất là hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam.
Để khắc phục vấn đề này, trong thời gian qua và những năm tới, EVNNPT đã và sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp như sau:
Trong công tác quản lý vận hành: EVNNPT đã xác định chủ đề năm 2019 là "Nâng cao hiệu quả quản lý vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia". Để thực hiện tốt chủ đề này, năm 2019 và các năm tiếp theo, EVNNPT sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai các giải pháp trong quản lý kỹ thuật, vận hành; tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, vệ sinh, bảo dưỡng, sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên, thí nghiệm định kỳ thiết bị; siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tính tuân thủ trong công tác quản lý vận hành để giảm thiểu sự cố; thực hiện tốt công tác tuyên truyền để đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT đã tập trung rà soát, lập kế hoạch và sẽ tập trung kiểm soát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng để đảm bảo truyền tải điện theo yêu cầu.
Cụ thể, năm 2019, EVNNPT đã đặt ra kế hoạch hoàn thành đưa vào vận hành 47 dự án lưới truyền tải điện trên toàn quốc, trong đó có các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện (bao gồm cả các nguồn ở miền Nam như các TTĐL Vĩnh Tân, Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, các nguồn năng lượng mặt trời), các dự án đảm bảo cung cấp điện cho Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước, các dự án nâng cao năng lực hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam và đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam. Đặc biệt, EVNNPT tập trung triển khai đúng tiến độ các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Trung tâm Điện lực Vũng Áng đến TBA 500 kV Pleiku 2 để đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong năm 2020 và các năm tiếp theo.
Để giúp EVNNPT hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vận hành và đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia,chúng tôi xin kiến nghị:
Một là: Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư các công trình nguồn điện, nhất là các công trình nguồn điện khu vực miền Nam như Long Phú, Sông Hậu, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào vận hành các nhà máy điện, qua đó sẽ góp phần giảm bớt áp lực lên hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam.
Hai là: Chính quyền địa phương và cơ quan công an các cấp hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ cùng EVNNPT trong công tác bảo vệ tài sản lưới truyền tải điện và đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Ba là: Chính quyền các địa phương có dự án lưới truyền tải điện đi qua tập trung chỉ đạo xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác BTGPMB để EVNNPT đảm bảo đưa các dự án vào vận hành đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án trọng điểm phục vụ giải tỏa công suất các công trình nguồn điện, các dự án đảm bảo cung cấp điện cho phát triển phụ tải cũng như các dự án nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc - Nam và trọng tâm trong năm 2019 là các dự án đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2.
Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa của việc khởi công xây dựng các đường dây 500 kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku vừa qua? Ngoài ra, EVNNPT có các giải pháp gì sắp tới để tăng cường năng lực lưới truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Như đã nêu trên, đường dây 500 kV mạch 3 từ Trung tâm Điện lực Vũng Áng đến TBA 500 kV Pleiku 2 có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc - Nam, đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Đặc biệt trong bối cảnh các dự án nguồn điện khu vực miền Nam bị chậm tiến độ, do đó sẽ phải tiếp tục phương thức truyền tải điện năng cao từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam để đáp ứng nhu cầu điện của các tỉnh khu vực miền Nam. Việc khởi công xây dựng các đường dây 500 kV mạch 3 có ý nghĩa quan trọng đối với EVNNPT trong việc đảm bảo tiến độ hoàn thành các dự án này để đáp ứng yêu cầu cung cấp điện cho miền Nam, tăng cường năng lực truyền tải điện, tăng cường liên kết hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam, góp phần đảm bảo tiêu chí N-1 cho hệ thống truyền tải điện quốc gia và giải tỏa các công suất nguồn điện khu vực miền Trung, đặc biệt các nguồn điện năng lượng tái tạo của miền Trung và miền Nam.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành các dự án đường dây 500 kV mạch 3, EVNNPT đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường năng lực hệ thống truyền tải điện quốc gia và đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định.
Cụ thể, sẽ áp dụng các giải pháp trong kỹ thuật, vận hành, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ của CMCN 4.0 để giảm thiểu sự cố, nâng cao độ ổn định, tin cậy trong quá trình quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia. Trong công tác đầu tư xây dựng, EVNNPT sẽ tập trung triển khai đảm bảo tiến độ các dự án theo kế hoạch, đặc biệt là các dự án trọng điểm, cấp bách để nâng cao năng lực lưới truyền tải điện, chống quá tải và đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Đồng thời, EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu, triển khai các dự án lưới truyền tải điện để tăng cường nhập khẩu điện từ các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào…) theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và EVN. Ngoài ra, Tổng công ty sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới truyền tải điện phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết các chương trình, kế hoạch của EVNNPT sắp tới về nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 trong hiện đại hóa lưới truyền tải điện của Việt Nam, đặc biệt về tổn thất điện năng trên lưới truyền tải điện trong thời gian qua và những năm sắp tới?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: EVNNPT đang triển khai nhiều chương trình, dự án ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 vào hoạt động sản xuất, kinh doanh như:
Đầu tư hạ tầng, xây dựng trung tâm dữ liệu (Data Center) để triển khai số hóa dữ liệu và ứng dụng dữ liệu lớn (Big data).
Triển khai các hệ thống quản lý, hệ thống thông tin số hóa như: Xây dựng hệ thống quản lý tài sản; Hệ thống quản lý thông tin địa lý (GIS); Hệ thống thông tin vận hành lưới truyền tải điện thời gian thực; Hệ thống cơ sở dữ liệu dựa trên mô hình thông tin chung và hệ thống quản lý sự cố.
Ứng dụng internet vạn vật (IoT) để thu thập dữ liệu, giám sát phân tích đánh giá thiết bị và quản lý vận hành như: Trạm biến áp số; Hệ thống giám sát máy biến áp; Thiết bị phân tích khí hòa tan trong dầu máy biến áp; Thiết bị quan trắc, cảnh báo sét, thiết bị quan trắc thời tiết; Thiết bị giám sát khả năng tải động của đường dây và thiết bị định vị sự cố.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý vận hành: Ứng dụng máy bay không người lái (UAV) sử dụng AI để phân tích và phát hiện sự cố thiết bị (như phát nhiệt, hư hỏng cách điện), phát hiện nguy cơ vi phạm hành lang, gây mất an toàn Hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Việc chủ động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 sẽ hiện đại hóa và từng bước xây dựng hệ thống giám sát thời gian thực lưới truyền tải điện, nhằm đưa ra các phương án vận hành tối ưu, giảm thiểu thời gian cắt điện, sự cố, quá tải thiết bị do đó làm giảm tổn thất điện năng trên hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Năng lượng Việt Nam: Được biết, sắp tới đây, hệ thống điện Việt Nam sẽ được bổ sung một lượng lớn công suất nguồn điện mặt trời, xin ông cho biết kế hoạch của EVNNPT trong việc phát triển đồng bộ luới truyền tải điện để truyền tải các nguồn điện này và các giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Về quy hoạch các nhà máy điện mặt trời: Tính đến nay, đã có khoảng 144 dự án nhà máy điện mặt trời được phê duyệt bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất là 13.824 MWp, trong đó có 4.263 MWp đấu nối vào hệ thống truyền tải điện 220 kV và có khoảng 226 dự án đang được xem xét bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất là 14.898 MWp.
Các tỉnh tập trung nhiều nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) hiện nay là Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, Phú Yên, Khánh Hòa, Đăk Lắk, Quảng Ngãi. Phần lớn các NMĐMT có công suất mỗi nhà máy trên 50 MWp đã được bổ sung quy hoạch đều có xu hướng đấu nối với lưới 220 kV do đó cần phải tăng cường năng lực của lưới truyền tải điện.
Về tình hình đầu tư các công trình lưới truyền tải điện để giải phóng công suất các nguồn điện mặt trời: Hiện nay, EVNNPT đang triển khai đầu tư xây dựng 8 dự án tại các tỉnh Bình Thuận (2 dự án), Ninh Thuận (2 dự án), Khánh Hòa (3 dự án), Tây Ninh và Bình Phước (1 dự án) để giải phóng công suất các NMĐMT.
Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 181/TTg-CN ngày 27/12/2018, về việc bổ sung vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) danh mục lưới truyền tải điện đấu nối các dự án điện mặt trời. Theo đó, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh tiến độ 4 dự án 220 kV, bổ sung quy hoạch 6 dự án 500 kV và 5 dự án 220 kV. EVNNPT sẽ tập trung triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này ngay từ đầu năm 2019 theo quy định sau khi được EVN giao nhiệm vụ.
Một số giải pháp đảm bảo vận hành an toàn, ổn định Hệ thống truyền tải điện quốc gia:
Thứ nhất: EVNNPT sẽ tiếp tục rà soát và đề xuất bổ sung các dự án lưới truyền tải điện để đảm bảo truyền tải công suất của các nhà máy điện mặt trời.
Thứ hai: Hiện nay, EVNNPT đã ký thỏa thuận đấu nối với 27 NMĐMT với tổng công suất 2.413 MWp và đang xem xét thỏa thuận đấu nối với 5 NMĐMT với tổng công suất 1.550 MWp đấu nối vào hệ thống truyền tải điện quốc gia. Trong đó, EVNNPT đã thống nhất với các chủ đầu tư các NMĐMT một số giải pháp để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia như sau:
EVNNPT phối hợp với các nhà máy điện năng lượng tái tạo trang bị thiết bị định vị sự cố, thiết bị giám sát chất lượng điện năng, giám sát sóng hài tại trạm biến áp NMĐMT để vận hành đảm bảo an toàn nhà máy và lưới truyền tải điện.
Lắp đặt các mạch sa thải và dừng, hoặc giảm công suất phát tự động, tiến hành thỏa thuận với Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về phương án dừng, hoặc giảm phát tự động, hoặc theo phương thức, lệnh điều độ để không gây quá tải lưới điện liên quan.
Trong trường hợp sự cố, hoặc quá tải lưới truyền tải điện khu vực, khi đầu tư lưới điện đang chưa hoàn thành, EVNNPT và nhà máy điện phối hợp áp dụng thiết bị tự động cắt giảm công suất phát của nhà máy, hoặc theo lệnh của đơn vị vận hành hệ thống điện.
Năng lượng Việt Nam: Xin ông cho biết chương trình, kế hoạch của EVNNPT tham gia lộ trình thị trường điện?
Ông Nguyễn Tuấn Tùng: Việc phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam được Đảng, Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo sát sao. Luật Ðiện lực được Quốc hội thông qua tháng 12 năm 2004 đã quy định về chính sách phát triển điện lực tại Ðiều 4, trong đó nêu rõ: "Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước để nâng cao hiệu quả trong hoạt động điện lực; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Nhà nuớc độc quyền trong hoạt động truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia, xây dựng và vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh".
Trên cơ sở đó, Thủ tuớng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26 năm 2006 và Quyết định số 63 năm 2013 quy định về lộ trình, các điều kiện hình thành và phát triển các cấp độ thị truờng điện lực Việt Nam. Theo đó, thị trường điện lực tại Việt Nam sẽ hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (vận hành đến năm 2015); Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ năm 2015 đến năm 2021) và Thị truờng bán lẻ điện cạnh tranh (từ năm 2021 trở đi). Mỗi cấp độ được thực hiện theo hai bước: Thí điểm và hoàn chỉnh. Hiện nay, thị trường điện Việt Nam đang ở cấp độ 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ năm 2019).
Trên cơ sở nhiệm vụ được EVN giao, để tham gia lộ trình thị trường hóa ngành điện, EVNNPT đã và đang triển khai các nội dung, chương trình cụ thể như sau:
Thứ nhất: Tập trung đầu tư các dự án lưới truyền tải điện đảm bảo tiến độ đồng bộ với các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII.
Thứ hai: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành, đảm bảo vận hành an toàn, liên tục, ổn định hệ thống truyền tải điện quốc gia. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào công tác quản lý vận hành nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và tăng năng suất lao động như: ứng dụng công nghệ CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin và các phần mềm quản lý, triển khai các trạm biến áp không người trực,…
Thứ ba: Tham gia cùng các cấp bộ, ngành hoàn thiện và bổ sung quy hoạch lưới điện phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, theo các mục tiêu cụ thể: Quy hoạch đồng bộ lưới, nguồn điện, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời; quy hoạch lưới điện khu vực, tỉnh, thành phố,... nhằm chủ động trong công tác thu xếp vốn và đầu tư xây dựng.
Thứ tư: Xây dựng giá truyền tải điện hàng năm hợp lý, đảm bảo công tác quản lý vận hành thường xuyên và nhu cầu đầu tư của EVNNPT, đảm bảo các đơn vị bán buôn có sự cạnh tranh bình đẳng.
Thứ năm: Đổi mới mô hình tổ chức, cơ cấu sản xuất hợp lý; đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Năng lượng Việt Nam: Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Nhân dịp đầu Xuân mới năm 2019, xin kính chúc ông và gia đình có nhiều sức khỏe, thành công và hạnh phúc; chúc EVNNPT tiếp tục gặt hái được những thành công trong quá trình phát triển, luôn xứng đáng giữ vai trò là "xương sống" của ngành Điện Việt Nam.