GE lần đầu tiên vận hành thương mại công nghệ tuabin khí 9HA.02

Thứ sáu, 26/2/2021 | 14:50 GMT+7
Ngày 24/2/2021, tại Hà Nội, Tập đoàn GE, Tập đoàn CTCI (CTCI) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Southern Power Generation (SPG) vừa công bố nhà máy Track 4A - nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp công suất 1.440 MW ở Pasir Gudang, Johor, Malaysia chính thức đi vào vận hành thương mại.

Nhà máy điện khí tại Malaysia.

Đây cũng là nơi công nghệ 9HA.02 của GE được vận hành thương mại lần đầu tiên trên toàn thế giới, mở ra tiềm năng cho các dự án điện khí ở châu Á đồng thời củng cố cam kết của GE trong việc hỗ trợ châu lục này đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng và đạt được các mục tiêu về phát thải trong những năm tới.
 
Track 4A được xây dựng bởi Tập đoàn CTCI - một đối tác tổng thầu Đài Loan, dự kiến sẽ cấp điện thiết yếu cho khoảng ba triệu hộ gia đình ở Malaysia. Nhà máy có hai khối máy phát điện một trục, mỗi khối bao gồm tuabin khí 9HA.02, một tuabin hơi nước STF-D650 và lò hơi thu hồi nhiệt W88 - lò hơi một dòng của GE lần đầu tiên được lắp đặt trong nhà máy công nghệ H giúp nâng cao hiệu suất chu trình hỗn hợp. Nhà máy được điều khiển bởi Hệ thống kiểm soát nhà máy tích hợp GE’s Mark * Vie. Đồng thời, giao diện điều hành đơn và các công cụ khắc phục sự cố phổ biến cũng được trang bị giúp cho nhân viên có thể vận hành hiệu quả hơn và nhanh chóng sửa chữa khi có vấn đề phát sinh để cải thiện tính khả dụng của toàn bộ nhà máy.
 
Ông Dato ’Haji Nor Azman bin Mufti, Chủ tịch công ty SPG cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác lâu dài với GE và tin tưởng rằng công nghệ HA sẽ giúp đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng ở Malaysia. Trong thời gian qua, bất kể đại dịch COVID -19, GE đã làm việc hết mình với hiệu suất cao để đưa công nghệ tuabin khí 9HA.02 vào vận hành thương mại lần đầu tiên, đảo bảo mọi yêu cầu về an toàn và sức khỏe”.
 
Ngoài ra, theo các điều khoản hợp tác trong năm 21 năm, GE sẽ cung cấp các dịch vụ và giải pháp kỹ thuật số để cải thiện khả năng hiển thị tài sản, độ tin cậy và tính khả dụng của nhà máy. Cụ thể, GE sẽ cung cấp đầy đủ các giải pháp kỹ thuật số và nâng cấp nhà máy, kiểm tra toàn diện các tuabin khí 9HA.02 cũng như dịch vụ tư vấn kỹ thuật. Hiệu suất tổng thể của nhà máy sẽ được theo dõi và nâng cấp nhờ phần mềm Quản lý Hiệu suất Tài sản Predix* của GE Digital, giúp cải thiện khả năng hiển thị tài sản, độ tin cậy và tính khả dụng, đồng thời giảm chi phí vận hành và bảo trì cho nhà máy. Bên cạnh đó, dữ liệu thu thập từ các cảm biến trong toàn bộ nhà máy sẽ được theo dõi và phân tích 24/7 tại Trung tâm Giám sát và Chẩn đoán (M&D) của GE ở Kuala Lumpur.
 
Ông Ramesh Singaram, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Gas Power tại Châu Á cho biết: “Với hơn 40 năm hoạt động và có số lượng tuabin khí đã lắp đặt lớn nhất Malaysia, GE có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu điện đang tăng ở quốc gia này. Việc tuabin tiên tiến 9HA.02 đi vào vận hành thương mại lần đầu tiên trên toàn cầu ở Malaysia cũng đánh dấu một cột mốc quan trọng cho công nghệ HA. Chúng tôi mong muốn hỗ trợ công ty Southern Power Generation trong việc tận dụng lợi ích từ công nghệ hiện đại, các dịch vụ kết hợp và giải pháp kỹ thuật số, hỗ trợ cung cấp nguồn điện linh hoạt và ổn định hơn cho Malaysia”.
 
Michael Yang, Chủ tịch Tập đoàn CTCI chia sẻ: “Với vốn kinh nghiệm phong phú trong những dự án tổng thầu các nhà máy điện trên toàn cầu, CTCI và GE tự hào đã đạt được hơn 10 triệu giờ làm việc an toàn trong dự án này. Thành công chung của hai công ty cũng mở đường cho sự hợp tác vào cuối năm 2020, giúp chúng tôi đạt được hợp đồng tổng thầu trị giá hàng tỷ đô cho năm dự án điện khí chu trình hỗn hợp tại Đài Loan”.
GE lần đầu tiên vận hành thương mại công nghệ tuabin 9HA.02
Tuabin 9HA.02 của GE.

Các tuabin khí HA của GE là những tuabin khí lớn nhất và đạt hiệu suất cao nhất trên thế giới, với hơn 100 đơn đặt hàng từ hơn 44 khách hàng trên 20 quốc gia. Tính đến tháng 2/2021, tuabin khí công nghệ H thế hệ thứ hai của GE đã tích lũy được hơn 850.000 giờ vận hành thương mại. Công nghệ tuabin khí thế hệ H của GE có khả năng đốt cháy tới 50% thể tích hydro trong hỗn hợp với khí tự nhiên, giúp giảm lượng khí thải các bon nhiều hơn nữa cho nhà máy điện khí.
 
Với hiệu suất cao và phát thải thấp, công nghệ này được dự đoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong ngành năng lượng ở khu vực Châu Á trong tương lai, nơi khí tự nhiên (LNG) sẽ trở thành nguồn năng lượng chính. Hiện tại, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng nhằm giảm lượng phát thải carbon cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để chống lại biến đổi khí hậu và LNG được coi là nguồn năng lượng có thể đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng và các mục tiêu về môi trường. Dự kiến, LNG sẽ chiếm phần lớn trong tổng công suất phát điện toàn quốc, đạt khoảng 130 GW vào năm 2030.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương