Tin thế giới

Gã khổng lồ năng lượng Pháp tiết lộ tổn thất khổng lồ

Thứ hai, 17/4/2023 | 09:39 GMT+7
Gã khổng lồ năng lượng Pháp thiệt hại tới 1 tỉ euro vì các cuộc biểu tình toàn quốc.

Công ty Điện lực Pháp Electricite de France. Ảnh: EDF

Reuters đưa tin, Công ty Điện lực Pháp Electricite de France (EDF) đã cảnh báo về tác động tài chính nghiêm trọng đối với các lò phản ứng hạt nhân và nhà máy thủy điện của công ty. EDF cho biết các cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí đã khiến công ty thiệt hại 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD).

Theo Reuters, EDF cũng đang xem xét các kế hoạch tuyển dụng trong năm. Hai trong số các nguồn tin, được cho là thành viên công đoàn, tiết lộ rằng ban lãnh đạo EDF đã yêu cầu tất cả các bộ phận xem xét việc tuyển dụng nào có thể hoãn lại cho đến năm sau.

Một phát ngôn viên của EDF cho hay một lệnh cấm đã được áp dụng đối với việc tuyển dụng, mà không giải thích lý do.

EDF - do chính phủ Pháp sở hữu 96% và đang trong quá trình quốc hữu hóa hoàn toàn - dự kiến ban đầu sẽ tuyển từ 3.000 đến 3.500 người vào năm 2023, chủ yếu là sản xuất và bán điện hạt nhân.

Các cuộc biểu tình của công nhân EDF là một phần của phong trào trên toàn quốc nhằm phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của chính phủ từ 62 lên 64 tuổi.

Trong khi đó, EDF báo cáo các khoản lỗ sau một năm 2022 đầy khó khăn. Công ty đã phải chịu cảnh ngừng hoạt động chưa từng có tại các lò phản ứng, cũng như mức giá trần do chính phủ Pháp đưa ra để giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao.

EDF đã báo cáo khoản lỗ kỉ lục trong một năm là 17,9 tỉ euro (khoảng 19,7 tỉ USD) cho năm 2022, đẩy tổng nợ của gã khổng lồ điện lực lên 64,5 tỉ euro (71,2 tỉ USD).

Do sản lượng điện sụt giảm đáng kể, EDF buộc phải mua năng lượng từ các quốc gia EU láng giềng để bù đắp cho sự thiếu hụt trên thị trường Pháp, trong khi giá điện tăng cao kỉ lục.

Năm 2022, công ty đã chi 121 tỉ euro (133 tỉ USD) chỉ riêng cho việc mua nhiên liệu và năng lượng, gấp ba lần so với năm 2021.

Năm ngoái, Pháp lần đầu tiên trở thành nước nhập khẩu ròng điện sau hơn bốn thập kỷ.

Link gốc

Theo: Lao động