Ảnh minh họa.
Mô hình này được coi là mở đầu cho xu thế sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường thời biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Bên cạnh đó, đây còn là một giải pháp hỗ trợ đắc lực cho việc tái sử dụng tro xỉ, thạch cao do các nhà máy nhiệt điện than thải ra.
Tòa nhà Keangnam cao 70 tầng, sừng sững tại đường Phạm Hùng, Hà Nội thoạt nhìn không có gì đặc biệt ngoài chiều cao nổi tiếng của nó. Nhưng sự khác biệt nằm ngay trong từng viên gạch. Đó là một vật liệu mới, còn xa lạ với nhiều công trình xây dựng Việt Nam: Gạch không nung.
Khi chọn loại gạch này, chủ đầu tư đã thẩm định và bị thuyết phục bởi những ưu điểm của nó (như độ chịu lực, chống thấm, cường độ nén, uốn… không khác gì gạch nung bình thường). Hơn thế, viên gạch có màu đỏ rất đẹp, bề mặt nhẵn, mịn. Nếu không trát sẽ tạo ra cảm giác rất mát mắt, gần gũi với tự nhiên. Theo đại diện Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nước ta hiện nay tiêu thụ 20 – 22 tỷ viên gạch một năm, đến năm 2020, lượng gạch cần cho xây dựng ước tính gấp đôi, 40 tỷ viên. Để đạt được lượng gạch này, cần một lượng đất khoảng 600 triệu m3, tương đương 30.000 ha đất canh tác. Hay nói nôm na, mỗi năm phải "nướng" diện tích một xã vào lò gạch. Gạch nung còn tiêu tốn nhiều năng lượng than, củi. Những lò gạch thải vào bầu khí quyển một lượng khí độc lớn.
Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam cũng đã có gạch không nung, nhưng tỷ lệ sử dụng rất thấp, chỉ chiếm 4 - 5% sản lượng gạch toàn quốc. Lý do, ngoài thói quen sử dụng gạch nung từ lâu nay, còn do dây chuyền chủ yếu nhập, công nghệ phức tạp nên giá thành gạch cao. Gạch không nung đến nay vẫn là món hàng xa xỉ.
Một nguyên lý để sản xuất gạch không nung là đất dùng để sản xuất gạch chỉ chiếm 30 – 50% nguyên liệu. Có thể sử dụng đa dạng các loại đất từ miền núi, đồng bằng, duyên hải, đất đá sỏi không canh tác nông nghiệp được… và nguồn phế thải xây dựng, phế thải công nghiệp. Đất sét có tính âm, kết hợp với vật liệu có nhiều tính dương như magie, sắt, qua quá trình nén, sẽ tạo ra một chất mới cứng như đá. Loại gạch này sau khi được tạo hình thì tự đóng rắn, đạt các chỉ số về cơ học, cường độ nén, uốn, độ hút nước... mà không cần qua nung nóng. Gạch ép xong chỉ cần hong khô 7 - 10 ngày là có thể xuất xưởng. Phần còn lại để sản xuất gạch không nung có thể được tận dụng từ lượng tro, xỉ do các nhà máy nhiệt điện thải ra.
Ảnh minh họa.
Và đây không phải là vấn đề mới mà đã được Chính phủ đặt ra từ nhiều năm trước. Điều này thể hiện rõ ở các Quyết định 798/QĐ-TTg ngày 25-5-2011 phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sử dụng gạch đất sét nung và gần đây là Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu không nung đều khẳng định đó là hướng đi đúng mang tầm chiến lược. Nếu sớm triển khai quyết liệt sẽ làm lợi cho Nhà nước được nhiều ngàn tỉ đồng trong mỗi năm. Và quan trọng hơn là việc giảm thiểu được việc ô nhiễm môi trường sẽ tiết kiệm được hàng trăm hécta đất để làm hồ, bãi chứa.
Có thể nói, xu thế sản xuất và sử dụng gạch không nung như một vật liệu xây dựng thân thiện môi trường đã là động cơ cũng như nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà nghiên cứu chế tạo ham thích tìm tòi những chất liệu xây dựng mới từ những phế liệu bỏ đi. Nhất cử lưỡng tiện, đây quả là một xu thế rất cần được khuyến khích.