Tin tức Quy hoạch điện

Gần 43.000 tỉ đồng quy hoạch phát triển hệ thống điện TPHCM giai đoạn 2016-2025

Thứ ba, 9/5/2017 | 16:04 GMT+7
UBND TPHCM vừa đề nghị Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt hợp phần 1 quy hoạch phát triển hệ thống điện với tổng nhu cầu vốn đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện trên địa bàn toàn thành phố giai đoạn 2016-2025.

Cải tạo lưới điện tại TPHCM.

Trong đó, phần đầu tư cho lưới truyền tải 220 kV là 10.900 tỉ đồng, lưới phân phối cao áp 110 kV là 13.400 tỉ đồng và lưới phân phối trung, hạ áp là 18.600 tỉ đồng.
 
Theo UBND thành phố, việc đầu tư đồng bộ lưới điện truyền tải và phân phối nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế thành phố theo tốc độ tăng trưởng GDP đề ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là 8 - 8,5%/năm và cho những năm tiếp theo.
 
Một số trạm biến áp cần được xây dựng từ nay đến năm 2020 như các trạm biến áp 220 kV Công nghệ cao, Tân Cảng, Đầm Sen, Tân Sơn Nhất, Thủ Thiêm và các đường dây mới như đường dây Cầu Bông – Hóc Môn sáu mạch, đường dây Cầu Bông – Bình Chánh bốn mạch, đường dây hỗn hợp ngầm hai mạch Cát Lái – Tân Cảng, đường dây mạch kép Bình Chánh – quận 8, đường cáp ngầm hai mạch Phú Lâm – Đầm Sen, đường cáp ngầm hai mạch Đầm Sen – Bà Quẹo – Tân Sơn Nhất ...
 
Ngoài ra, TPHCM cũng cần phải cải tạo nhiều đường dây dẫn điện khác như từ nhà máy điện Nhơn Trạch về đường dây Cát Lái - Thủ Đức, đồng thời xây dựng nhiều tuyến lưới cao áp, trung áp và hạ áp khác.
 
Liên quan đến thông tin về nguồn điện cung cấp cho TPHCM trong mùa khô năm 2017, Tổng công ty Điện lực TPHCM ước tính tổng nhu cầu điện cho thành phố cả năm nay tăng xấp xỉ 10% so với năm 2016. Theo đó, ngành điện thành phố cam kết vẫn đảm bảo cung cấp điện cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải để phục vụ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân.
 
Để đảm bảo đủ điện cho mùa khô năm nay, Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết đã lên các phương án cung cấp điện, chuẩn bị máy phát dự phòng, xây dựng các kịch bản để phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện thiếu 1-10% sản lượng và cả trong điều kiện bình thường.
 
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định quí 2 là thời điểm bước vào mùa khô nên nguồn cung điện cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt thường căng thẳng. Các nguồn nhiệt điện than và tuabin khí sẽ tiếp tục được EVN khai thác cao song song với các hồ thủy điện, các tổ máy nhiệt điện than, đặc biệt là nhiệt điện Vĩnh Tân 2, nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3. Trong trường hợp cần thiết, EVN sẽ phải huy động cả các tổ máy nhiệt điện chạy dầu để đảm bảo nguồn cung.
 
Theo: SGGP