Diễn đàn năng lượng

Gắn trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải pin mặt trời với các nhà đầu tư

Thứ năm, 29/4/2021 | 16:19 GMT+7
Ở Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời ở Việt Nam khá nhỏ so với các nước, tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới vấn đề quản lý, thu gom và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời.

Đại diện VIOIT cũng cho rằng, việc thu gom, tái chế các tấm pin mặt trời phế thải mang lại lợi ích rất lớn về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Đây là nhận định chung của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về tái chế pin năng lượng mặt trời, áp dụng đối với Việt Nam”. Hội thảo do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương tổ chức sáng 28/4, tại Hà Nội. Hội thảo là cơ sở để các nhà khoa học, các nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng đưa ra các giải pháp kiến nghị để có cơ chế, chính sách về tái chế pin năng lượng mặt trời theo hướng phát triển bền vững.
 
Pin điện mặt trời không phải là rác mà là tài nguyên
 
Với tiềm năng năng lượng mặt trời dồi dào, điện mặt trời được xác định là công nghệ điện năng lượng tái tạo ưu tiên phát triển ở Việt Nam. Điều này được thể hiện qua một số văn bản pháp luật gần đây của Chính phủ như: Quyết định số 11/2016/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam; Quy hoạch phát triển điện điều chỉnh giai đoạn 2011-2030 (Quyết Định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016); Nghị Quyết số 55/-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và gần đây nhất là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời ở Việt Nam…
 
Từ vài MW năm 2016, theo số liệu tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đã đạt khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có khoảng 8.000 MW là điện mặt trời mái nhà và hơn 8.400 MW điện mặt trời trang trại lớn.
 
Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg, điện năng sản xuất từ điện mặt trời đến các năm 2030 và 2050 sẽ lần lượt là 35,4 tỷ kWh và 210 tỷ kWh. Với cường độ năng lượng mặt trời ở Việt Nam, để có được các sản lượng điện mặt trời nói trên thì công suất lắp đặt điện mặt trời đến các năm 2030 và 2050 lần lượt vào khoảng 29.000 MWp và 170.000 MWp.
 
Trung bình một nguồn điện mặt trời công suất 1 MWp sẽ thải ra gần 70 tấn phế thải sau khoảng 20 - 25 năm kể từ ngày nguồn bắt đầu phát điện. Như vậy, theo dự báo của Chiến lược Phát triển Năng lượng tái tạo đã nói ở trên, thì lượng pin mặt trời phế thải đến năm 2030 và đến năm 2050 lần lượt là khoảng 2 triệu tấn và 12 triệu tấn.
 
“Nếu không được quản lý, thu gom, tái chế thì chắc chắn với số lượng lớn chất thải như thế sẽ gây ra ô nhiễm môi trường hết sức trầm trọng”, TS. Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (VIOIT) đánh giá.
 
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Hội, Dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, đến năm 2030 có ghi, công suất điện mặt trời khoảng 18,89GW và năm 2045 dự kiến khoảng 53GW. Nếu các con số trong dự thảo Quy hoạch điện VIII trở thành thực tế thì khối lượng tích lũy chất thải tấm pin ước tính 404 ngàn tấn vào 2035 và vào khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045.
 
Khối lượng chất thải tấm pin mặt trời tại Việt Nam khá nhỏ so với các nước dẫn đầu trên thế giới, ước tính khoảng 1,9 triệu tấn vào năm 2045, bằng khoảng 11% lượng tro xỉ nhiệt điện than ở Việt Nam hiện nay, khoảng 17 triệu tấn.
 
“Cho đến nay Việt Nam chưa có cơ chế chính sách gì về chất thải pin mặt trời”, TS. Nguyễn Văn Hội thông tin và cho rằng, chất thải từ tấm pin mặt trời chưa chứng minh được là độc hại đến môi trường. Các nước dẫn đầu về năng lượng mặt trời hầu như vẫn chưa có cơ chế, chính sách về tái chế trừ một số nước thuộc EU. Việc chậm ban hành các chính sách của các nước trên thế giới có thể do vấn đề rác thải từ tấm pin mặt trời chưa cấp bách.
 
Thông tin rõ hơn về thành phần cấu tạo nên một tấm pin năng lượng mặt trời, đại diện VIOIT cho biết, những vật liệu chính được sử dụng làm pin năng lượng mặt trời bao gồm 76% glass, 10% plastic, 8% aluminium, 5% silicon và 1% metan.
 
Có thể thấy, thành phần cấu tạo chính của pin năng lượng mặt trời không chứa các chất nguy hại. Ở Mỹ và một số nước châu Âu, các tấm pin mặt trời không sử dụng nữa do hết hạn hoặc hỏng hóc không được xem là chất thải nguy hại.
 
“Phế thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời hết hạn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho cả Việt Nam và các nước trên thế giới. Tuy nhiên, việc thu gom, tái chế các tấm pin mặt trời phế thải còn mang lại lợi ích rất lớn về tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm tăng hiệu quả kinh tế của công nghiệp điện mặt trời, vì khoảng 80% vật liệu từ tấm pin mặt trời phế thải có thể thu hồi và tái sử dụng”, đại diện VIOIT chia sẻ.
 
Ngoài ra, vị đại diện này cũng nhấn, hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả các tấm pin năng lượng mặt trời, với phương thức tương tự như thiết bị điện, điện tử hiện nay. Do vậy, rác thải từ pin mặt trời không phải là vấn đề đáng lo ngại. Với công nghệ hiện tại, hiệu suất tái chế có thể lên đến hơn 90%, giúp tận thu hoàn toàn lại rác thải này.
 
Gắn trách nhiệm cho chủ đầu tư, nhà sản xuất

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý, tái chế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước trên thế giới, ông Đào Trần Nhân - Hiệp hội Thông tin tư vấn Kinh tế Thương mại (VICETA) cho biết, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành luật mới “Chương trình trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng sẽ có hiệu lực từ năm 2023”.
 
Theo luật, Chính phủ nước này yêu cầu, các nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu phải đóng phí tái chế, dự kiến là 1,04USD/kg. Trong khi đó, nhà nước sẽ bỏ tiền xây dựng các nhà máy tái chế, xử lý.
 
Hiện tại, Hàn Quốc đang xây dựng một nhà máy tái chế công suất 3.600T/năm tại Jincheon và hai công ty đang xây dựng hai nhà máy, đưa tổng công suất lên 9.700T/năm. Đến 2030, Hàn Quốc đặt mục tiêu sản xuất và lắp đặt các nhà máy pin điện mặt trời, đưa công suất lên 30,8GW.
 
Tương tự, tại Thụy Sỹ, trong việc tái chế pin năng lượng mặt trời, Chính phủ nước này nêu bật vai trò của nhà đầu tư và công ty chuyên xử lý môi trường. Đối với các tấm pin mặt trời đã hết tuổi thọ, Thụy Sỹ tận dụng những vật tư, linh kiện còn giá trị sử dụng và tiêu hủy những vật tư không còn giá trị sử dụng. Dùng các tấm pin điện mặt trời làm nguồn nguyên liệu hế tạo pin xe điện như ô tô, xe máy… ông Đào Trần Nhân dẫn chứng.
 
pin mặt trời hết hạn sử dụng
Các chuyên gia cho rằng, cần ràng buộc và tăng trách nhiệm của các nhà sản xuất với vấn đề bảo vệ môi trường, gắn sự tham gia của nhà sản xuất vào cả vòng đời của hệ thống pin năng lượng mặt trời.

Đối với Việt Nam, khối lượng chất thải từ tấm pin mặt trời ở Việt Nam khá nhỏ so với các nước dẫn đầu tuy nhiên để đảm bảo phát triển bền vững, Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có chính sách cơ chế phù hợp liên quan tới thu nhận và xử lý rác thải từ tấm pin mặt trời. Nhìn ở góc độ kinh tế tuần hoàn thì đây có thể trở thành cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghiệp tái chế tấm pin trong tương lai.
 
Thực tế tại Việt Nam, những quy định cụ thể liên quan đến việc xử lý tấm thu năng lượng mặt trời đã có. Điều này được thể hiện tại Thông tư 18/2020 của Bộ Công Thương quy định phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời, trong đó điều khoản yêu cầu về môi trường nói rõ: Trong quá trình vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà, bên bán điện có trách nhiệm thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị của các công trình điện mặt trời theo đúng quy định của pháp luật.
 
“Chế tài đã có, quan trọng là trách nhiệm, kinh phí dự trữ để tái chế, không để hình thành bãi thải khổng lồ, tạo gánh nặng cho xã hội”, TS. Lê Huy Khôi - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đưa ra quan điểm và kiến nghị, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thu gom, xử lý pin hết hạn sử dụng, bởi, hiện nay, vấn đề thu hồi, thu gom pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án điện mặt trời, tuy nhiên, chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
 
Cùng với đó, đại diện Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng đề xuất với Chính phủ xem xét, cho phép hình thành Hiệp hội Doanh nghiệp tái chế pin điện mặt trời; xây dựng, ban hành cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và nhà phân phối trong việc xử lý, tái chế tấm pin mặt trời đã hết hạn.
 
Đối với Bộ Công Thương, TS. Lê Huy Khôi cũng đề xuất, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư 18/2020 của Bộ Công Thương; nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát chất lượng pin điện mặt trời trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ và sử dụng...

Link gốc
Theo: Tạp chí Công Thương