Ông Sáu Dân (áo xám) hăng hái trình bày về dự án của mình cùng nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Ảnh: PHAN THANH CƯỜNG
"Giờ thì người ta thấy rồi, người ta biết rồi, cũng đã tin rồi. Chứ trước lúc Sáu Dân mới làm khó có người tin lắm", một nguyên lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kể câu chuyện về ông Tô Hoài Dân (Sáu Dân) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý với hành trình mang công trình điện gió ra… thềm lục địa.
Từ dòng điện đầu tiên
"Cảm giác đóng góp được những điều tích cực cho phát triển của đất nước khiến tôi tự hào. Lý tưởng đó dẫn dắt tôi quyết tâm làm cho thắng lợi các công trình điện gió tiếp theo…Ông Tô Hoài Dân.
|
Nhớ lại những ngày đầu khi dự án điện gió mới manh nha từ ý tưởng, ông Sáu Dân kể rằng trong lần tháp tùng cùng đoàn của Chính phủ Việt Nam sang làm việc ở Hà Lan, ấn tượng mạnh đối với ông là cái cách mà đất nước hoa tulip tạo ra nguồn điện. "Tôi thấy họ chú trọng khai thác nguồn năng lượng từ nắng, từ gió, từ biển. Chẳng có lý do gì mà mình lại lãng phí nguồn tài nguyên này để phát triển năng lượng sạch khi đất nước mình cũng có đủ điều kiện về tự nhiên" - ông Sáu Dân kể.
Ban đầu, ông Sáu Dân định đầu tư nhà máy điện gió ở một tỉnh ven biển khác, chứ chưa phải Bạc Liêu. Tuy nhiên, khi đến nơi thì nghiên cứu điều kiện không thuận lợi lắm để triển khai dự án.
Trên đường về, ông gọi điện chia sẻ với ông Võ Văn Dũng (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, hiện là Phó Ban Nội chính Trung ương). Ông Võ Văn Dũng, lúc đó mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu 15 ngày, nghe ý tưởng của ông Dân thì nói ngay: "Anh mang điện gió của anh về đây. Nếu phù hợp, tôi ủng hộ hết mình".
Sáng hôm sau, ông Dũng cùng ông Dân chạy xe dọc theo đường ven biển Bạc Liêu tìm điểm "chấm" cho dự án. Lúc đó, mới mấy năm trước thôi, việc xây dựng trung tâm điện gió là điều gì đó xa lạ với nhiều cán bộ địa phương. Thậm chí có người còn phán xanh rờn: "Thằng Dân nó "điên", trong đất liền còn không xi nhê gì, ai lại mang mấy cây cột ra cắm ngoài biển". Vậy nhưng, dự án được sự ủng hộ của ông Võ Văn Dũng, đặt vị trí dự án ở biển vừa thuận lợi thi công, vừa bảo vệ bờ biển, quan trọng hơn là không tác động nhiều đến cuộc sống của người dân địa phương khi hạn chế tối đa việc di dân nhường đất cho dự án.
Sau này, khi hỏi lý do quyết liệt ủng hộ dự án điện gió Bạc Liêu, ông Võ Văn Dũng lý giải: "Để phát triển thì rất cần điện. Trong nhiều lựa chọn, mình thấy làm thủy điện thì mất rừng, làm nhiệt điện thì khí thải nhà kính, chỉ có làm điện gió là sạch và có hiệu quả lâu dài…".
"Dự án góp phần khẳng định tầm nhìn, hướng đi đúng đắn của Việt Nam trong ưu tiên phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trong bối cảnh thế giới đang chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ông Wissanu Kreangam (Phó Thủ tướng Vương quốc Thái Lan).
|
Về phần mình, ông Tô Hoài Dân nói ông không sao kể hết những vất vả khi là người đầu tiên đặt nền móng xây dựng nhà máy điện gió ở biển khi đây là công trình điện gió đầu tiên của ĐBSCL.
Chỉ chuyện đánh giá các thông số khả thi để làm điện gió ở Bạc Liêu, ông sang Mỹ thuê hẳn công ty chuyên nghiên cứu tiền khả khi về dự án Điện gió sang Bạc Liêu nghiên cứu. Kết quả từ phía Mỹ: biển Bạc Liêu hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu xây dựng trung tâm điện gió. Ông Tô Hoài Dân có căn cứ thuyết phục để báo cáo khả thi trình Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Chính phủ đồng ý cho triển khai dự án.
Không chỉ có điện
Tháng 9 - 2010, Nhà máy điện gió được khởi công trên thềm lục địa, thuộc xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) với diện tích 500ha, với tổng mức đầu tư 5.200 tỉ đồng.
"Dự án động lực này mang nhiều ý nghĩa, trong đó góp phần tạo ra chính sách của Nhà nước đối với các dự án điện sạch tương tự như thế này. Dự án là sự tự hào không riêng của Bạc Liêu, các tỉnh ĐBSCL mà là của cả nước. Ông Võ Văn Dũng.
|
Tháng 5 - 2013, giai đoạn 1 với 10 tuabin gió đầu tiên, công suất 16MW đã hòa vào lưới diện quốc gia. Ông Dân nói, đó là giai đoạn khó khăn nhất của người tiên phong. Cũng tháng 11 cùng năm ấy, giai đoạn 2 với 52 tuabin gió, tổng vốn đầu tư 4.200 tỉ được triển khai. Đến nay, Trung tâm điện gió Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động 62 tuabin gió có tổng công suất 99,2 MW, đấu nối và phát điện hòa vào lưới điện quốc gia, cung cấp sản lượng điện 320 triệu KWh/năm.
Đầu năm 2018, công ty Công Lý tiếp tục khởi công Dự án xây dựng nhà máy điện gió giai đoạn III, với công suất 142MW, với tổng vốn đầu tư gần 8.300 tỉ đồng. Trong đó, nhu cầu sử dụng đất của dự án là hơn 6.250ha. Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng kể từ ngày khởi công. Dự án được lắp dựng các tuabin gió có công suất mỗi tuabin gió từ 2MW đến 2,3MW, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất do các tập đoàn có uy tín trên thế giới cung cấp. Khi hoàn thành sẽ cung cấp trên 370MW điện/năm.
Vùng biển Bạc Liêu với những cột điện gió sừng sững là khung cánh lý thú cho du khách. Du lịch Bạc Liêu cũng được hưởng lợi từ dự án này. "Không chỉ là khai thác điện, chúng tôi còn giữ bờ, giữ biển cho Bạc Liêu và những nơi có dự án điện gió", ông Dân chia sẻ.
Nếu nhìn vào thành công nhiều mặt của điện gió ở Bạc Liêu, mà tiên phong là doanh nhân Tô Hoài Dân, sẽ không lạ gì nếu ở đồng bằng xanh sẽ có địa phương sẽ từ chối dự án nhiệt điện để ưu tiên năng lượng sạch cho quê hương mình.