Lễ kí kết hợp đồng cung cấp tuabin gió cho Nhà máy Phong điện Phương Mai 1. Ảnh: Đan Nguyên.
Theo đó, General Electric (GE) sẽ cung cấp tuabin gió cho Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 tại Bình Định.
Buổi lễ có sự tham gia của các cán bộ nhân viên và lãnh đạo GE Việt Nam cùng sự tham dự trực tuyến của các đại diện chi nhánh một số nước khu vực Châu Á.
Về phía Phong điện Phương Mai có đại diện của hai đơn vị đồng chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Công nghiệp Xây dựng Hà Nội (Hanoinco) và CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Tập đoàn Trường Thành). Ngoài ra còn có đại diện bên tài trợ vốn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) – Chi nhánh Tràng An.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành cho biết, hợp đồng cung cấp tuabin gió giữa GE và Phương Mai 1 là thành quả sau khoảng 3 tháng đàm phán giữa các bên.
Sau hợp đồng này, phía Trường Thành kì vọng dự án sẽ hoàn thành sớm hơn so với tiến độ đề ra, dự kiến vào quý 1 năm 2021.
Ông Phan Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Hanoinco chia sẻ thêm, dự án Phong điện Phương Mai 1 vốn đã kéo dài từ rất lâu, tuy nhiên kể từ sau khi có sự hợp tác của Trường Thành, Hanoinco và nhà tài trợ vốn Agribank, dự án đã được nhanh tiến độ.
Về phía nhà cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Thiện Dũng đại diện phía GE cho rằng, đây là dự án quan trọng đối với GE, đồng thời cũng là dự án mở đầu của GE tại Việt Nam trong năm 2020.
Nhà máy được xây dựng sẽ góp phần bổ sung nguồn điện tại chỗ cho tỉnh Bình Định, theo qui hoạch phát triển điện năng của Việt Nam và xu hướng phát triển của thế giới về sử dụng năng lượng sạch. Năng lượng tái tạo hiện nay cũng đang được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm và phát triển.
Theo ước tính của Viện Năng lượng Việt Nam, với qui mô nguồn điện hiện nay, đến năm 2025 nguồn điện gió cần bổ sung qui hoạch ở phương án cơ sở là khoảng 6.030 MW, ở phương án cao là 11.630 MW.
Còn đến năm 2030, nguồn điện gió cần bổ sung qui hoạch ở phương án cơ sở là khoảng 10.090 MW và ở phương án cao là 18.390 MW.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, phương án cao có thể được coi như phương án điều hành để phát triển nguồn điện đủ dự phòng trong trường hợp phụ tải tăng cao, điều kiện khí hậu bất lợi hoạch các nguồn điện khác chậm tiến độ.
Tổng hợp các số liệu, Bộ Công Thương cho hay, khả năng lưới điện đến năm 2021 có thể hấp thụ được khoảng 7.000 MW trong trường hợp vận hành bình thường.