![](/userfile/User/Vanht/images/2024/5/z6307440729322_74491282e20f7cf95e890ab1ffe33018-20250211145159637.jpg)
Ba nước vùng Baltic đã chính thức ngắt khỏi lưới điện Nga. (Nguồn: Izvestia)
Ngày 10/2, mạng tin tức vùng Baltic (BNN News) dẫn lời Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Latvia Kaspars Melnis cho biết việc ngắt kết nối khỏi lưới điện của Nga không làm tăng giá điện ở các quốc gia Baltic. Ông đưa ra thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn với chương trình LTV Rīta panorāma.
Thông tin khác nhau về biến động giá điện
Ông Melnis cho biết "có những xu hướng tích cực" đang xuất hiện sau động thái ngắt khỏi lưới điện Nga, đồng thời nói thêm rằng vào từ đầu tuần này, giá điện đã rẻ hơn so với một tuần trước. Theo ông, trên sàn giao dịch điện toàn châu Âu Nord Pool, giá điện trung bình ở Latvia trong ngày 10/2 là 146 Euro/MWh, trong khi trước đó 1 tuần, giá điện trung bình ở Latvia là 154 Euro/MWh.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra thông tin của BNN News trên sàn giao dịch Nord Pool cho thấy rằng vào ngày 7/2 giá điện trung bình ở Latvia là 119 Euro/MWh. Tới ngày 8/2, giá điện trung bình sụt xuống còn 63 Euro/MWh, trước khi tăng vọt lên 128 Euro/MWh vào ngày 9/2.
Báo chí loan tin rằng vào cuối tuần trước, các quốc gia vùng Baltic đã ngắt kết nối thành công khỏi lưới điện Nga, hay còn gọi là BRELL, và kết nối với lưới điện của châu Âu. Cụ thể, tính từ sáng ngày 8/2, các quốc gia vùng Baltic, bắt đầu từ phía Nam, đã ngắt kết nối với lưới điện của Nga. Sau đó, trong khoảng thời gian kéo dài một ngày, các quốc gia vùng Baltic đã hoạt động trong một hệ thống điện biệt lập. Tới ngày 9/2, cả ba nước đã kết nối với lưới điện thống nhất của châu Âu, thông qua lưới điện Ba Lan.
Trong bài viết về sự kiện, trang tin Izvestia của Nga đánh giá ba nước vùng Baltic sẽ đối mặt với nguy cơ giá điện tăng cao do rời khỏi BRELL, vốn tích hợp cả lưới điện của Nga và Belarus. Izvestia cho biết trong đêm trước khi rút khỏi BRELL, các chính trị gia của Estonia, Latvia và Litva đảm bảo họ đã sẵn sàng cho các trường hợp khẩn cấp, nhấn mạnh rằng không có gì đe dọa đến an ninh năng lượng của người dân.
Tuy nhiên, chính quyền Estonia vẫn khuyến cáo người dân dự trữ thực phẩm, nước, thuốc men, đèn chiếu sáng để phòng ngừa. Đại biện lâm thời của Nga tại Tallinn (Estonia) Lenar Salimullin nói với Izvestia rằng người dân"không hoàn toàn tin tưởng vào lời kêu gọi của chính quyền" và đã chuẩn bị cho khả năng mất điện. Họ đổ đi mua máy phát điện diesel và thực phẩm.
Xu hướng tăng là khó tránh
Tổng chi phí chuẩn bị để Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan đồng bộ hóa lưới điện của các nước vùng Baltic vào lưới điện sử dụng tần số 50 Hz của Châu Âu đã lên tới 1,6 tỷ Euro. Trong đó 75% được chi trả bằng tiền của Liên minh Châu Âu (EU). Giá điện ở Estonia sẽ tăng đến mức nào do hoạt động này hiện vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Nhưng có thể thấy lý do khách quan cho việc tăng hóa đơn trước tiên sẽ tới từ việc các quốc gia vùng Baltic sẽ phải tự đảm bảo tần số (50 Hz) trong hệ thống điện, bắt đầu từ ngày 8/2. Khoản phân bổ để duy trì các nhà máy điện trong trạng thái sẵn sàng khởi động dự phòng ước tính lên tới 60 triệu Euro mỗi năm, theo đánh giá của ông Lenar.
Elering, công ty chịu trách nhiệm đồng bộ hóa lưới điện Estonia, đã cam kết chi trả các chi phí này cho đến ngày 30/6 năm nay. Nhưng từ nửa cuối năm trở đi, chắc chắn gánh nặng chi phí sẽ đổ lên vai người tiêu dùng điện.
Bên cạnh đó còn phải kể tới chi phí sửa chữa đường dây tải điện Estlink 2 nối giữa Estonia và Phần Lan, vốn đã bị hỏng vào ngày 25/12/2024. Tin tức xuất hiện thường xuyên về các sự cố tại nhà máy điện Avera, công trình mới được đưa vào vận hành từ năm 2015, cũng không làm tăng thêm sự lạc quan.
Đáng chú ý là ngay từ trước khi rút khỏi BRELL, giá điện ở Estonia đã đắt hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, vào tháng 1, giá điện trung bình hàng tháng ở quốc gia này trên sàn giao dịch Nord Pool đã lên tới 9,2 Euro cho mỗi kWh (số điện), tăng 9,5% so với một tháng trước đó. Để so sánh, ở quốc gia láng giềng Phần Lan, giá điện không vượt quá 5,3 Euro cho mỗi kWh.
Izvestia đánh giá Latvia cũng có thể chứng kiến giá điện tăng trong thời gian tới. Trang tin dẫn nguồn đại sứ quán Nga ở Latvia nói rằng người ta dự định sẽ tạm tắt đèn giao thông ở một số thành phố. Người dân cũng được đề nghị tắt bớt các thiết bị điện "nhạy cảm" và dự trữ thực phẩm, nước uống trong nhiều ngày.
Người dân cuối cùng đã nhận ra thực tế là giá điện sẽ tăng. Vì vậy, cái gọi là "độc lập năng lượng" có thể trở thành "món đồ chơi đắt tiền" đối với người dân, đặc biệt là ở các nhóm thu nhập thấp.
![](/userfile/User/Vanht/images/2024/5/z6307440710889_166dacc9ff1eeffd1e4dee938ca38c95-20250211145250052.jpg)
Máy biến áp tự động phục vụ việc mở rộng hệ thống cấp điện LitPol nằm trên biên giới Litva-Ba Lan. (Nguồn: Izvestia)
Hậu quả của việc rời khỏi lưới điện Nga
Izvestia cho biết thời Liên Xô cũ, cả nước sử dụng một lưới điện thống nhất. Sau khi Liên Xô sụp đổ, một số di sản của nó được bảo tồn. Ví dụ tại khu vực Tây Bắc, sau năm 1991 lưới điện BRELL gồm Belarus, Nga, Estonia, Latvia và Litva vẫn tiếp tục hoạt động. Năm 2001, năm quốc gia đã ký kết một thỏa thuận chính thức đồng ý trao đổi điện và hỗ trợ lẫn nhau trong các tình huống khẩn cấp.
Năm 2004, ba nước vùng Baltic gia nhập EU, nhưng hệ thống BRELL vẫn tiếp tục hoạt động. Giá điện của Nga thấp hơn giá điện của châu Âu nên người tiêu dùng ở các nước vùng Baltic được lợi. Ngoài ra, lưới điện và nhà máy điện ở các nước này được xây dựng trong thời kỳ Liên Xô nên kết nối kém với cơ sở hạ tầng của EU.
Tuy nhiên, những cân nhắc chính trị sau đó đã được thúc đẩy. Năm 2017, Estonia, Latvia và Lithuania quyết định ngắt kết nối khỏi BRELL. Hai năm sau, họ đã ký một lộ trình cho quá trình này với Ủy ban Châu Âu (EC). Các sự kiện ở Ukraine và việc Belarus bắt đầu xây nhà máy điện hạt nhân đã thúc đẩy ba nước Baltic đưa ra quyết định trên. Thay vì hợp tác, vốn sẽ mang lại nguồn điện giá rẻ và được đảm bảo, các nước Baltic đã phản đối mạnh mẽ lưới điện Nga.
Với việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, công việc đồng bộ hóa lưới điện của các nước Baltic với lưới điện châu Âu được đẩy nhanh và đã hoàn tất mới đây. Trước mắt việc này sẽ mang tới một số hậu quả khác ngoài tăng giá điện.
Stanislav Mitrakhovich, chuyên gia thuộc Cục An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, cho biết việc ngắt kết nối với BRELL sẽ làm giảm khả năng huy động điện của các nước vùng Baltic trong trường hợp khẩn cấp. Về lâu dài, giá điện tăng có thể khiến các doanh nghiệp tránh xa vùng Baltic, để tìm tới những khu vực khác có giá điện rẻ hơn và cho lợi nhuận cao hơn, như khu vực Scandinavia.
Theo ông Nikolai Mezhevich, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Baltic, điều này sẽ xảy ra dù chi phí lao động ở vùng Scandinavia cao hơn vùng Baltic. Cuối cùng, sự biến động về chi phí năng lượng sẽ làm giảm cảm tình của doanh nghiệp và nhất là người dân với bộ máy cầm quyền.
Link gốc