Tin trong nước

Giải pháp đưa điện về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thứ hai, 13/11/2017 | 15:58 GMT+7
Huyện Na Hang(Tuyên Quang) còn 16 thôn, bản đặc biệt khó khăn chưa có điện. Với địa hình và giao thông cách trở, việc đầu tư các Trạm phát điện năng lượng mặt trời đang được xem là giải pháp ưu việt để cấp điện sinh hoạt cho người dân vùng đặc biệt khó khăn.
Ảnh minh họa.

Thôn Trung Phìn, xã Sinh Long (Na Hang), cách trung tâm xã 9 km, nhưng để đến được với thôn, cách duy nhất là mất từ 2 - 3 giờ đồng hồ đi bộ. 23/23 hộ gia đình trong thôn là đồng bào dân tộc Mông. Nhưng tại đây 100% hộ gia đình ở Trung Phìn đều có điện thắp sáng, được xem tivi để tiếp để cập nhật thông tin.
 
Để có điện cho bà con nhân dân và các điểm trường vùng sâu, vùng xa UBND huyện Na Hang đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt Trạm phát điện năng lượng mặt trời với công xuất 4500W tại thôn Trung Phìn.
 
Thiết bị này được thiết kế nhỏ, gọn, đảm bảo điện áp ổn định cung cấp cho các thiết bị từ 300W - 600W. Qua hơn hai năm đi vào hoạt động Trạm phát điện năng lượng mặt trời vẫn hoạt động ổn định, cung cấp điện thắp sáng và phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu từ 17 - 22 giờ cho điểm trường mầm non và 23 hộ gia đình nơi đây.
 
Ưu việt lớn nhất của Trạm phát điện năng lượng mặt trời là người dân tự quản lý, vận hành và khai thác, nhỏ, gọn có thể di chuyển vào bất kỳ nơi nào, có thể điều chỉnh công suất dễ dàng chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều so với việc kéo lưới điện quốc gia.
 
Nhờ có điện, người dân được tiếp cận với thông tin, tiến bộ kỹ thuật sản xuất, từ đó mà đời sống đã được nâng lên. Thôn đã có học sinh đỗ tốt nghiệp THPT, đây là điều đáng mừng để người dân tiếp tục phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo.
 
Theo: Đài PT - TH Tuyên Quang