Thi công xây dựng cột 500kV tại xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Dù đến nay, tiến độ bàn giao mặt bằng và thi công các công trình phục vụ giải tỏa công suất nhà máy nhiệt điện này đã đạt khối lượng lớn nhưng để đến được đích đặt ra vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn. Do đó, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), chủ đầu tư dự án cùng các đơn vị, chính quyền địa phương đã và đang tận dụng cơ hội, thời cơ, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Từ yêu cầu mặt bằng, tiến độ dự án
Trung tuần tháng 6, dù cái nóng miền Nam Trung Bộ oi rát, nhưng tại vị trí 39 (xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), nơi đang dựng cột 500kV thuộc Gói thầu số 5, đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân, hàng chục công nhân vẫn đang hối hả làm việc. Mặc cho cái nắng rát tới 39 độ C, những công nhân thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 11 vẫn treo mình trên cao, dùng tời đưa các thanh sà kết nối, lắp đặt cột. Hiểu được thắc mắc của anh em phóng viên, ông Thân Minh Nguyên, Phó giám đốc Công ty, đang có mặt tại công trường giãn bày: “Nắng này vẫn còn sung sướng chán, có nghĩa là vẫn còn làm được, chứ mùa mưa đến, đất nhão thì chỉ biết đứng nhìn nhau. Nên anh em luôn động viên nhau nỗ lực ở mức cao nhất”.
Cũng theo ông Nguyên, đơn vị nhận gói thầu này từ ngày 28-12-2021, thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công dựng trụ, kéo dây. Đến nay, mặt bằng móng trụ đã giải phóng mặt bằng được 100%, phần hành lang tuyến đã được 92%, còn vài điểm di dời tái định cư cho các hộ dân. Chắc chắn phần việc này sẽ hoàn thành trong tháng 6-2022. “Khó khăn nhất của đơn vị hiện nay là địa hình phức tạp, với 7 vị trí đi qua rừng phòng hộ và 12 vị trí qua rừng tự nhiên, 10 vị trí nằm dưới đầm tôm thuộc xã Ninh Hà, Ninh Lộc và Ninh Phú. Với đầm tôm, dù nỗ lực nhưng với khoảng gần 100 tấn thiết bị cho việc dựng cột, chúng tôi cũng chỉ có 4 tiếng trong 1 ngày khi thủy triều dâng, tàu chở hàng mới vào được gần để đưa thiết bị. Tuy nhiên, đơn vị đã huy động nhân lực để hoàn thành công việc trong tháng 9-2022, vượt yêu cầu đặt ra hơn 2 tháng. Những tháng còn lại sẽ rà soát, xây dựng các mố kè, hoàn thiện dự án” – ông Nguyên cho biết.
Dự án trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Thực tế, không chỉ riêng gói thầu của Công ty cổ phần Sông Đà 11, trên toàn tuyến của Cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (Dự án trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối; Đường dây 500kV Nhiệt điện Vân Phong – Nhiệt điện Vĩnh Tân; Đường dây 220kV Nha Trang-Tháp Chàm; Đường dây 220kV Krông Búk-Nha Trang; Trạm biến áp 220kV Cam Ranh) tất cả đều rất khẩn trương. Thông tin về điều này, ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung, đơn vị đại diện chủ đầu tư dự án, cho biết, tiến độ thi công các dự án đang bám sát tiến độ đề ra. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng, phối hợp với chính quyền địa phương sẽ hoàn thành dứt điểm trong tháng 6-2022. Toàn công trường đang rất nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành các Dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong tháng 12-2022 theo hợp đồng đã ký kết. Dự án đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm có nhiệm vụ truyền tải nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực lên hệ thống điện quốc gia và đường dây 220kV Krông Búk - Nha Trang phải hoàn thành trong tháng 12-2022; trạm biến áp 220kV Cam Ranh trong tháng 6-2022.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên trong thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc rất mạnh mẽ. Địa phương đã thành lập những tổ công tác đến tuyên truyền vận động nhân dân bàn giao mặt bằng của dự án. Đến nay đã hoàn thành khối lượng mặt bằng dự án lớn cho chủ đầu tư. Những khó khăn vướng mắc còn lại, tỉnh Khánh Hòa cam kết trước ngày 30-6 sẽ hoàn thành mặt bằng để chủ đầu tư triển khai công việc còn lại”.
Đến huy động mọi nguồn lực, thiết bị vật tư
Làm việc với các nhà thầu, đơn vị tư vấn, xây lắp, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNNPT nhấn mạnh, cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư, với tổng vốn 2,58 tỷ USD, bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW, là những công trình cấp bách, trọng điểm quốc gia. Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 12-2022, đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lên hệ thống điện quốc gia. Nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường cho chủ đầu tư số tiền 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng). Nếu dự án truyền tải trên chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phía Việt Nam phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng sẽ bị chấm dứt sớm và Việt Nam phải mua lại nhà máy. Do đó, ông nguyễn Tuấn Tùng yêu cầu, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, xây lắp, thi công cần tập trung mọi nguồn lực để khẩn trương triển khai nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án với mốc đặt ra theo kế hoạch không chậm hơn tháng 12-2022. Trong quá trình thi công, các nhà thầu xây lắp cần bảo đảm tuyệt đối an toàn con người, trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân địa phương bảo đảm an ninh công trường, tập trung huy động nhân lực, phương tiện để đáp ứng yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng công trình. Đồng thời, cần tính toán đến khả năng mùa mưa có thể đến sớm hơn, tăng cường thêm lực lượng thi công, phương tiện máy móc, phấn đấu đến ngày 20-8 hoàn thành dựng cột để triển khai kéo dây.
Khẳng định với chủ đầu tư, các nhà thầu cam kết tăng cường nhân lực, phương tiện, tăng tốc thi công trong giai đoạn thời tiết thuận lợi, tập trung thi công những vị trí khó trước để tránh thời tiết bất lợi; đồng thời phối hợp với Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung để giải quyết nhanh các khó khăn vướng mắc ngay tại công trường, quyết tâm hoàn thành dự án trong tháng 12-2022.
Thông tin thêm về điều này, ông Nguyễn Đức Tuyển nhấn mạnh, đơn vị được giao điều hành dự án sẽ bám sát các nhà thầu, xây dựng kế hoạch, lộ trình công việc một cách cụ thể, quyết tâm xử lý nhanh những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Ông Tuyển cũng lưu ý các đơn vị thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị cần xây dựng phương án với những tình huống phức tạp có thể xảy ra để bảo đảm mục tiêu chung của dự án là hoàn thành vào cuối năm 2022.