Chỉ cần giá trị thực chất
Lần đầu tiên, tôi gặp Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu cách đây 5 năm. Khi buổi làm việc kết thúc, không còn là cuộc phỏng vấn, cung cấp thông tin giữa phóng viên với lãnh đạo một đơn vị, câu chuyện giữa chúng tôi (như những người bạn) lại xoay quanh sự độc đáo, thâm thúy của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nét đẹp trong thơ Nguyễn Bính, rồi đến sự hấp dẫn và nghệ thuật trong kinh doanh, marketing. Ðó là sở thích của anh. Thật lạ, vì ít người (nhất là một doanh nhân) vừa thích chất thơ mộc mạc, chân quê của Nguyễn Bính, lại vừa say mê sự phá cách đến ngông cuồng của Nguyễn Huy Thiệp… Nhưng dường như điều đó cho thấy phần nào tính cách, tưởng như mâu thuẫn mà khá thống nhất trong con người của Nguyễn Trọng Hữu: Giản dị, gần gũi, chân thành, lãng mạn, song cũng rất sắc sảo và quyết liệt…
Lần thứ 2, tôi gặp Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu trong một buổi sáng mưa phùn tháng 3/2009, chúng tôi có rất ít thời gian trao đổi vì lịch làm việc của anh gần như đầy kín. Không còn giây phút nào cho những câu chuyện ngoài lề. Chỉ khi chúng tôi hỏi thông tin về danh hiệu trong một lĩnh vực hoạt động mà đơn vị sắp được đón nhận, anh mới chia sẻ suy nghĩ của cá nhân mình: Bản thân cũng nhận được một số thư mời tham gia các giải thưởng cho doanh nghiệp và cá nhân của các tổ chức, tuy nhiên nhận được danh hiệu (dù nhỏ) thì rất đáng trân trọng, nhưng chúng tôi cũng được nhận kèm theo yêu cầu… tài trợ cho buổi đón nhận danh hiệu đó. (?!) Nếu đó là điều kiện để đánh đổi, thì danh hiệu nhận được sẽ chẳng còn niềm vui và ý nghĩa trong sáng... Anh thẳng băng: “Chúng tôi cần và chỉ gìn giữ những giá trị thực chất”.
Trò chuyện với một vài đồng nghiệp, những người nhiều năm kề vai, sát cánh cùng anh, chúng tôi được biết: Nguyễn Trọng Hữu luôn làm việc lý trí, nguyên tắc và kiên định như vậy, cái tính kiên định đã cùng anh trải qua bao thăng trầm của cuộc đời, của sự nghiệp và cũng khiến anh phải nỗ lực và vất vả biết chừng nào. Song ngược lại, chính điều đó lại tạo nghị lực giúp anh gặt hát được rất nhiều thành công trong gian khó mà không phải ai cũng có thể đạt được.
Con đường không trải hoa
Xuất thân từ một gia đình nông dân xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, tuổi thơ của Nguyễn Trọng Hữu gắn liền với cuộc sống vất vả nơi làng quê. (Thủa ấy, hầu hết các gia đình nông dân Việt Nam đều lam lũ, đói khổ). Rồi suốt những năm tháng học cấp 3, dù nắng hay mưa, nóng nực hay giá rét, cậu bé Nguyễn Trọng Hữu gầy gò, bé nhỏ, nhưng lại có đôi bàn chân khỏe khoắn và một quyết tâm vượt khó mạnh mẽ ròng rã đi bộ tổng cộng 20 km từ nhà đến trường mỗi ngày…
18 tuổi, Nguyễn Trọng Hữu đỗ đại học. Thời điểm đó (năm 1972), đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, sự thôi thúc của tiếng gọi thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc khiến anh quyết định không nhập học, mà xung phong đi bộ đội. Nhưng khổ nỗi, anh không đủ “tiêu chuẩn” để được lên đường nhập ngũ, chỉ vì quá… thấp bé, nhẹ cân. Thời hạn đăng ký nhập học đã qua và con đường vào trường đại học bỗng lại thành lỡ dở. Anh thi và nhập học trường Công nhân Kỹ thuật lắp máy ở Hà Bắc, rồi năm 1975 về công tác tại Xí nghiệp lắp máy số 10 Hà Nội. Vốn ham học, tư chất thông minh, năm 1976, anh công nhân kỹ thuật Nguyễn Trọng Hữu đã tự học và thi đỗ trường Ðại học Bách Khoa. Năm 1981, tốt nghiệp Ðại học, anh được cử về làm trưởng kíp Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và sau đó làm Phó quản đốc Phân xưởng điện. Từ đó, anh đã gắn bó cuộc đời của mình với bao thăng trầm của ngành Ðiện cho đến ngày hôm nay.
Những năm 80 của thế kỷ trước, ngành Ðiện, đặc biệt là khu vực miền Bắc, tỉ lệ tổn thất điện năng rất cao. Tỉnh Hải Hưng (sau này được chia tách thành hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) là một trong những “điểm nóng” nhất. Từ Nhà máy điện Phả Lại, Nguyễn Trọng Hữu được điều về làm Trưởng chi nhánh điện Tứ Lộc (thuộc Ðiện lực Hải Hưng) và bắt đầu sự nghiệp của một “dũng sỹ diệt tổn thất”. Chỉ một thời gian sau, Chi nhánh điện Tứ Lộc bứt phá, trở thành đơn vị dẫn đầu ngành Ðiện tỉnh Hải Hưng khiến cấp trên phải “để mắt” tới vị “thủ lĩnh” trẻ Nguyễn Trọng Hữu tài năng và quyết đoán. Năm 1993, Nguyễn Trọng Hữu được cử đi học lớp quản trị kinh doanh của Trường Ðại học Kinh tế quốc dân và sau khi nhận chứng chỉ loại giỏi, anh được điều động về Chi nhánh điện thị xã Hải Dương – nơi đang chờ anh giải một bài toán thực sự hóc búa: Thu nợ đọng 3,5 tỉ đồng.
Việc đầu tiên Trưởng Chi nhánh điện thị xã Hải Dương - Nguyễn Trọng Hữu bắt tay vào làm là chuẩn lại toàn bộ quy chế, quy trình quản lý điện năng một cách chặt chẽ. Các hóa đơn nợ đọng được tập hợp lại và giao cho từng cán bộ phụ trách khu vực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của anh, đội ngũ CBCNV đã tiến hành thu nợ theo đúng quy trình với tinh thần cương quyết. Dư luận xôn xao, đơn kiện đến dồn dập. Không nao núng, không ngại “đụng chạm”, anh sẵn sàng đứng ra giải thích với khách hàng trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rõ ràng, minh bạch. Thứ nhất, anh không làm sai về lý. Và hơn hết, tất cả mồ hôi và công sức mà anh và đội ngũ CBCNV đổ ra không phải chỉ để đạt được mục đích của một cá nhân, một doanh nghiệp mà là vì sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
Và dần dần, với cái Tâm trong sáng, những người làm điện Hải Dương đã chinh phục được lòng tin và tình cảm của nhân dân. Ðiều đó cũng có thể lý giải vì sao trong “cuộc chiến” chống tổn thất điện năng, đấu tranh với các đối tượng ăn cắp điện, với mọi lực cản suốt chặng đường dài đến tận đầu những năm 2000,… Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu đã cùng đội ngũ CBCNV đơn vị vượt qua bao gian nan. Bởi các anh luôn có sự tin tưởng, giúp đỡ hết lòng của nhân dân. Nếu như những năm 80, tỉ lệ tổn thất thường ở mức 30-40%, thì năm 1995, tỉ lệ tổn thất của khu vực tỉnh Hải Dương là 16,7%. Năm 1996 là 14,2%. Năm 1997 giảm xuống 12,15%... Từng bước, từng bước, đến năm 2000 chỉ còn 6,97%. Và năm 2008, con số này của Công ty TNHH MTV Ðiện lực Hải Dương là 5,31% (thấp hơn 4% so với trung bình toàn ngành Ðiện).
Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu đã vinh dự được đón nhận
- Huân chương Lao động hạng Ba.
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2004-2006.
- Danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc.
- Nhiều Bằng khen của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Hải Dương, của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam…
|
Ði cùng với thành tích trong công tác giảm tổn thất điện năng là những kết quả nổi bật ở các mặt hoạt động sản xuất, kinh doanh mà Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu đã cùng đội ngũ CBCNV trong đơn vị nỗ lực bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Anh không phải là lãnh đạo lúc nào cũng “chỉ tay năm ngón”, mà luôn sát sao, quyết liệt trong từng lĩnh vực. Cùng quy chế quản lý chặt chẽ, cơ chế phân cấp trách nhiệm rõ ràng, phát huy tinh thần dân chủ, công khai. Cách điều hành công việc của anh đã tạo nên không khí làm việc luôn nghiêm túc và đầy nhiệt huyết.
Năm 2003, anh tiếp tục tham gia học cao học quản trị kinh doanh do Mỹ tổ chức tại Trường đại học Kinh tế quốc dân. Anh là một trong bốn người đạt thành tích cao nhất khóa học, được Tùy viên văn hóa Ðại sứ quán Mỹ ở Việt Nam đánh giá cao và trao giải thưởng Vàng. Chính khóa học này đã giúp anh có cái nhìn mới về nền kinh tế thị trường và bổ sung những kinh nghiệm quý giá về công tác quản lý doanh nghiệp sau này.
Hải Dương nằm trong tam giác phát triển các tỉnh phía Bắc, song thực tế, lại là một tỉnh nông nghiệp nghèo với xuất phát điểm rất thấp. Những năm qua, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại Hải Dương không đơn giản nên khó có thể tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển điện lực nơi đây. Tuy nhiên, với sở trường quản lý kinh tế, am hiểu kiến thức marketing hiện đại, Giám đốc Nguyễn Trọng Hữu đã tìm tòi, áp dụng nhiều giải pháp phù hợp với cơ chế thị trường, nhằm nâng cao sản lượng điện thương phẩm, tăng doanh thu. Ðơn cử, năm 2008 (được coi là năm đầy sóng gió đối với ngành Ðiện Việt Nam, khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo sự đóng cửa và thu hẹp sản xuất của hàng loạt doanh nghiệp), nhưng sản lượng điện thương phẩm của Công ty TNHH MTV Ðiện lực Hải Dương vẫn đạt 1.516,458 triệu kWh, tăng 114,69% so với năm 2007, doanh thu đạt 1.133,207 tỉ đồng, tăng 117,04%. Ðặc biệt, anh chỉ đạo Công ty có thể độc quyền trong quản lý theo cơ chế của Nhà nước, nhưng không được cửa quyền trong kinh doanh, phục vụ; đồng thời luôn tập trung đầu tư cải tạo lưới điện và nâng cao năng lực phục vụ của Công ty. Ðiều đó đã tạo nên nét văn hóa khác biệt của Công ty TNHH MTV Ðiện lực Hải Dương, và cũng thể hiện phần nào dấu ấn văn hóa, nhân cách của người lãnh đạo đơn vị.
Ngoài sự bận rộn, lo toan cho Công ty phát triển ổn định, anh còn tích cực tham gia công tác quản lý xã hội tại địa phương. Liên tục từ năm 1994 đến nay, anh đều tham gia các khóa Hội đồng nhân dân Tỉnh với tư cách là đại biểu HÐND. Ðặc biệt, tại nhiệm kỳ 2004 - 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương đã tín nhiệm bầu anh làm Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách, giúp HÐND hoạch định các chính sách phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Hơn 20 năm cống hiến cho ngành Ðiện, từ khi là một thanh niên đầy say mê cho đến khi mái tóc đã ngả mầu, Nguyễn Trọng Hữu không ngừng học hỏi và chưa bao giờ tự thỏa mãn với những gì mình làm được. Theo anh: Con đường phía trước nhiều ghềnh thác. Ngành Ðiện còn rất nhiều khó khăn, thử thách. Còn trong bản thân mỗi đơn vị, tăng doanh thu, lợi nhuận, phát triển viễn thông điện lực, giảm tổn thất điện năng, đưa điện về nông thôn, tăng thu nhập và ổn định việc làm cho người lao động… luôn là những “bài toán” khó và mỗi một năm qua đi, đội ngũ lãnh đạo đơn vị phải bằng mọi cách tìm được lời giải thực sự xác đáng với tình hình, thời cuộc. Cuộc sống, công việc cũng như sự nghiệp phát triển điện lực đầy gian lao của đất nước đòi hỏi mỗi cá nhân dù ở bất kỳ vị trí nào, bất luận tuổi tác ra sao, phải luôn có sự nỗ lực kiên cường, bền bỉ và không bao giờ dừng lại…