Tin trong nước

Gian nan vận hành lưới điện xã biên giới Trường Sơn (Quảng Bình)

Thứ ba, 11/4/2023 | 09:54 GMT+7
Quản lý, vận hành an toàn lưới điện lên xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh, Quảng Bình) là một nhiệm vụ khó khăn, vất vả, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những cán bộ, công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn (thuộc Điện lực Đồng Hới).  

Công nhân Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn vệ sinh hành lang lưới điện giữa rừng.

Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn hiện đang quản lý, vận hành trên 90km đường dây trung thế từ thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch) lên xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và 70km đường dây hạ thế, trên 4.000 khách hàng, trong đó xã Trường Sơn có 800 khách hàng. Đây là tuyến điện băng qua rừng dài nhất trên địa bàn tỉnh với 503 vị trí cột. Trên tuyến có tới 70% cột, dây đều ở trong rừng nguyên sinh và đồi núi cao. Có những vị trí cột cách đường giao thông hàng trăm mét, có cột nằm chênh vênh bên vực sâu, cách nhau trên 500m nên công tác vận hành vô cùng khó khăn, vất vả.
 
Do địa hình khó khăn, cách trở, nhiều vị trí không có hành lang an toàn lưới điện, lại chịu ảnh hưởng của thiên tai nên tuyến điện này thường xuyên xảy ra các sự cố. Để quản lý vận hành lưới điện hiệu quả, trước mùa mưa bão, đội đã tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp để đánh giá phân loại, đưa ra các dự báo, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Đội trưởng Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn, người có hơn 10 năm gắn bó với đội kể lại: “Năm 2013, một cơn bão lớn quét qua làm hàng chục cột điện gãy đổ khiến cả tuyến điện bị tê liệt hoàn toàn. Để cứu lưới điện, đội đã phối hợp với Điện lực Đồng Hới, chính quyền địa phương và người dân khắc phục hậu quả. Với sự quyết tâm của toàn đội cùng sự giúp đỡ tận tình của bà con, sau hơn một tuần tuyến điện chính đã hoạt động trở lại. Ngày sau, chúng tôi liền đến từng hộ dân để kiểm tra, xử lý sự cố cho bà con”. 

Trong mùa mưa lũ, khu vực xã Trường Sơn thường có nhiều nơi bị cô lập, sạt lở đất gây khó khăn cho việc đi lại cũng như khắc phục sửa chữa lưới điện.
 
Anh Lê Đức Ngọc, công nhân của đội chia sẻ: “Trận lũ tháng 10/2020, nước từ thượng nguồn đổ về xã Trường Sơn rất nhanh khiến nhiều nơi bị ngập sâu, chia cắt làm hư hỏng nhiều thiết bị đo đếm. Vị trí gần cầu Zìn Zìn, thác Voi bị sạt lở kéo theo nhiều cột điện. Để khắc phục lưới điện, chúng tôi phải ở lại xã cả chục ngày trời để thay lại công tơ, kéo dây, dựng lại cột. Nhiều khi sự cố điện xảy ra vào đêm, chúng tôi cũng phải tức tốc lên đường để khắc phục, có khi quá nửa đêm hoặc trời gần sáng mới trở về đơn vị”.
 
Công việc khó khăn, vất vả nhất của đội là bảo vệ hành lang lưới điện. Bởi tuyến điện này có nhiều vị trí cột nằm trên đồi cao hoặc vực thẳm, xuyên qua rừng nguyên sinh, rừng trồng.
 
Anh Đặng Văn Tự, công nhân quản lý vận hành của đội tâm sự: “Hàng tuần, chúng tôi phải kiểm tra, nắm tình hình dọc tuyến. Còn hàng quý, anh em trong đội phải ăn ở trong rừng, ngủ lán cả tuần phát dọn thực bì, chặt tỉa cây cối để tránh những sự cố. Ngoài ra, chúng tôi phải kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt thiết bị đóng cắt tự động, thiết bị cảnh báo trên đường dây, xử lý tiếp địa, bọc cách điện để chống rắn, chuột, chim… gây ra sự cố”.
 
Lưới điện hạ thế trên địa bàn xã Trường Sơn phần lớn đi qua các rừng keo của người dân. Tuy nhiên, những khu vực này hầu như không có diện tích đất dành cho hành lang lưới điện nên đa số bà con trồng cây dưới đường dây, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Khắc phục tình trạng này, đội đã phải thường xuyên chặt cây bên dưới để bảo đảm an toàn.
 
Anh Nguyễn Văn Sơn cho hay: “Chúng tôi phải đến từng hộ dân để xin chặt, tỉa cây. Có nhiều trường hợp bà con không cho, chúng tôi phải tuyên truyền vận động, trường hợp nào khó khăn thì phải nhờ đến chính quyền địa phương và lực lượng chức năng can thiệp mới chặt, tỉa được cây”.
 
Quá trình thu tiền điện trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn bởi khách hàng ở xã Trường Sơn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Người dân ở đây thường đi làm ăn xa, hoặc lên nương rẫy nên công việc thu tiền điện chủ yếu là vào ban đêm. Trong quá trình thu cũng chỉ đạt được khoảng 70%, số còn lại nhân viên của đội phải đi “thu vét”. Một số hộ dân không có tiền trả nên anh em trong đội phải bỏ tiền túi ra cho bà con nợ hoặc ủng hộ luôn cho những gia đình có hoàn cảnh quá khó khăn.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trường Sơn Nguyễn Văn Nhì cho biết: “Nhà nước và ngành Điện đã giúp cho nhiều bà con trên địa bàn xã có điện lưới sinh hoạt, sản xuất. Nhiều lưới điện cũ đã được nâng cấp, cải tạo nên các sự cố, thời gian mất điện của bà con đã giảm nhiều so với trước. Thời gian tới, xã rất mong ngành Điện và các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, giúp đỡ để nâng cấp một số tuyến điện tạm, kéo điện về 6 bản còn lại để bà con đỡ khó khăn, vất vả".
 
Phó Giám đốc Điện lực Đồng Hới Lý Đình Đức cho biết: “Trung bình mỗi năm, đơn vị đầu tư khoảng 3 tỷ đồng cho việc duy tu, bảo dưỡng, vận hành lưới điện lên xã Trường Sơn. Năm 2022, đơn vị cũng đã hạ được 19 cột thuộc lưới trung thế dọc Quốc lộ 9E từ ta-luy dương về ta-luy âm. Sắp tới, đơn vị dự kiến sẽ hạ thêm khoảng 50 vị trí cột, đồng thời tận dụng các nguồn lực để thay thế hệ thống dây trần bằng dây vỏ bọc, bọc cách điện ở đầu các cột, xà, lèo để tránh động vật gây ra sự cố. Điện lực Đồng Hới cũng sẽ chỉ đạo Đội quản lý điện thị trấn Nông trường Việt Trung - Trường Sơn tăng cường công tác tuyên truyền để người dân cùng chung tay bảo vệ hành lang lưới điện, hỗ trợ bà con trong việc kiểm tra, tu sửa các thiết bị điện sau công tơ…”.

Link gốc

 

Theo: Báo Quảng Bình