|
Ảnh minh họa: Internet |
Đặc điểm của nước thải từ nhà máy giấy là có độ ô nhiễm cao, nhất là dịch đen thải ra trong công đoạn nấu và rửa bột giấy. Nếu không được xử lý, chúng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để khắc phục cần có giải pháp đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường.
Dịch đen là dòng thải của quá trình nấu và rửa sau nấu (do có màu tối nên được gọi là dịch đen). Loại dịch này chứa phần lớn các chất hữu cơ hoà tan, chủ yếu là Lignin. Dịch đen có nồng độ chất khô khoảng 25 - 35%, có độ ô nhiễm cao nhất trong các thành phần của dịch thải. Ở các nhà máy sản xuất giấy vừa và nhỏ không có điều kiện xử lý nên dòng dịch đen được thải ra ngoài gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng Nhà máy Giấy Bãi Bằng, dịch này được tách ra để quay vòng trở lại và được đưa vào thiết bị phản ứng theo công nghệ cô đốt thu hồi hoá chất. Mục tiêu nhằm chưng bốc dịch đen thành bộ hâm để tiết kiệm nhiệt trong khói lò hơi thu hồi, làm nóng nước cấp cho sản xuất hơi, đồng thời, đưa vào hệ thống phát điện để cấp điện trực tiếp cho nhà máy.
Phân xưởng động lực của Giấy Bãi Bằng có hai nồi hơi: Nồi hơi đốt than và nồi hơi đốt dịch đen (nồi hơi thu hồi). Mục đích của phân xưởng này là thu hồi lại hoá chất nấu, sản xuất và cung cấp điện, hơi phục vụ nhu cầu sản xuất bột giấy và giấy. Trong đó, riêng lò hơi đốt dịch đen có công suất phát hơi 45 tấn/giờ. Nguồn nhiên liệu sử dụng là dịch đen thu hồi từ quá trình rửa bột giấy. Khí thải của lò hơi này được xử lý bằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất thu hồi bụi trên 96 %.
Công đoạn thu hồi dịch đen để để sản xuất hơi thu hồi vừa tiết kiệm được hóa chất nhờ tái sản xuất hóa chất cung cấp cho quá trình nấu bột giấy, vừa tiết kiệm điện hơi khi chạy lại máy. Công nghệ này thể hiện tính ưu việt của dây chuyền sản xuất của Giấy Bãi Bằng vì không chỉ tiết kiệm hoá chất mà còn giảm 90% lượng khí mang mùi ra môi trường do không phải xả dịch đen mỗi khi vệ sinh bể, giảm ách tắc dây chuyền sản xuất. Cũng phải nói thêm, việc giải quyết vấn đề dính bám ở thiết bị xử lý và chưng bốc dịch đen do kỹ sư Lê Thị Hiên làm chủ đề tài là giải pháp hoàn toàn mới trong công nghệ giấy ở Việt Nam nhằm ngăn không cho nhựa cây dính bám vào thiết bị. Nhờ đó, thời gian phải dừng sản xuất để rửa thiết bị giảm từ 5-7 giờ xuống 1-2 giờ/ngày, mỗi năm làm lợi tới 25 tỷ đồng. Giải pháp này từng đạt giải nhất Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Thọ và Giải Nhì Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật Việt Nam. Ông Tạ Đức Long, trưởng phòng kỹ thuật Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết, hiện tại, việc tận dụng chưng bốc dịch đen để sản xuất hơi thu hồi cho phát điện góp phần đáp ứng hơn 25-30% nhu cầu năng lượng của nhà máy Giấy Bãi Bằng trong quá trình sản xuất.
Thực tế cho thấy, giải pháp thu hồi nhiệt thải này không những giảm bớt nhiên liệu đầu vào, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn đem lại lợi nhuận kinh tế đáng kể cho doanh nghiệp nếu biết tận dụng nguồn nhiệt thải một cách hợp lý, hạn chế tối đa lượng khí thải độc hại vào môi trường.
Thu hồi nhiệt và tái sử dụng chất thải công nghiệp được xem là biện pháp ưu việt vừa giảm thiểu ô nhiễm, vừa tiết kiệm tài chính cho doanh nghiệp nhờ khả năng thu hồi vốn khá nhanh. Đặc biệt, việc tận dụng nhiệt thải còn đem lại những lợi ích lâu dài như góp phần hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, cải thiện môi trường để phát triển bền vững. |