Đoàn công tác của Tổng Công ty Phát điện 1 kiểm tra thực tế tình hình sản xuất tại Phân xưởng Sửa chữa cơ nhiệt của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.
Theo thống kê, tổng công suất của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 là 1.080MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ máy 540MW. Theo kế hoạch, năm 2022 Công ty Nhiệt điện Mông Dương được Tổng Công ty Phát điện 3 giao chỉ tiêu sản xuất gần 7 tỷ kWh. Bám sát tình hình thực tế của hệ thống điện, Nhà máy đã linh hoạt trong việc thay đổi các phương án chào giá điện trên thị trường với mục tiêu tối ưu hiệu quả kinh tế mà vẫn đảm bảo tối đa sản lượng điện theo kế hoạch được giao. Tính đến hết tháng 6, tổng sản lượng điện sản xuất của Nhà máy là gần 3,6 triệu kWh (đạt 52% sản lượng kế hoạch năm, tăng 10,24% so với cùng kỳ năm 2021). Trong những tháng cuối năm, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đặt mục tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, như vậy trung bình mỗi tháng, Nhà máy sẽ sản xuất từ 710-800 triệu kWh.
Tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, những tháng qua, gần 400 kỹ sư, công nhân điện được huy động theo chế độ làm việc 3 ca 4 kíp, “bám lò, bám máy” liên tục 24/24h. Đến hết tháng 6, nhà máy sản xuất đạt gần 2 triệu kWh (đạt gần 50% kế hoạch năm và đạt 106% so với cùng kỳ 2021). Việc chưa đạt sản lượng so với kế hoạch là do trong những tháng đầu năm, nhà máy đã xảy ra 8 sự cố dẫn đến thiếu hụt trên 200 triệu kWh.
Ông Đỗ Trung Kiên, quyền Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí cho biết: Để vận hành tối ưu các tổ máy, giảm thiểu sự cố, hiện Công ty đang tập trung thực hiện nghiêm túc kế hoạch bảo dưỡng định kỳ và sửa chữa thường xuyên; cập nhật liên tục danh mục khiếm khuyết các tổ máy để chuẩn bị đủ vật tư thay thế; phối hợp với các đơn vị cung ứng than của TKV đảm bảo khối lượng và chất lượng than giao nhận theo hợp đồng, duy trì lượng than tồn trong 3 kho nhà máy khoảng 70.000 tấn để ổn định sản xuất. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý chất lượng than thông qua lấy mẫu phân tích và quản lý giảm hao hụt than vật lý...
Tính đến hết tháng 7, công tác đầu tư xây dựng các gói thầu năm 2022 của Công ty Nhiệt điện Uông Bí đang được khẩn trương thực hiện. Bao gồm: Dự án đầu tư mua sắm lắp đặt trạm cân than đường sắt; Dự án nâng cấp hệ thống thiết bị trạm 110/220kV; Dự án nâng cấp hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí... Trong thời gian tới, khi 3 dự án lớn nói trên được hoàn thành, công tác vận hành thiết bị, bảo vệ môi trường của Công ty chắc chắn sẽ có nhiều bước đột phá.
Theo dõi vận hành kỹ thuật tại Phòng Điều khiển trung tâm (Công ty CP Nhiệt điện Cẩm Phả). Ảnh: Phạm Tăng
Đối với 5 nhà máy nhiệt điện còn lại, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, các nhà máy nhiệt điện cũng đã chủ động các phương án vận hành, đưa các tổ máy hoạt động hết công suất khả dụng. Theo đánh giá của Sở Công Thương, hệ số khả dụng các tổ máy của các nhà máy nhiệt điện năm sau luôn cao hơn năm trước, đáp ứng tốt phương thức huy động từ Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, tiếp tục chứng tỏ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn năng lượng an toàn cho khu vực miền Bắc.
Thống kê đến hết tháng 6, tổng sản lượng điện của 7 nhà máy nhiệt điện đạt 19,3 tỷ kWh (tăng 2,1% so với cùng năm 2021) đã giúp cho ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng gần 6% (cao hơn 3,1% so với cùng kỳ 2021), chiếm tỷ trọng 18,2% trong GRDP, đóng góp 0,94 điểm % trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Việc duy trì, giữ vững nhịp điệu sản xuất trước diễn biến bất thường của thời tiết, lượng mưa cao hơn trung bình mọi năm, cùng với giá cả, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá than đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các nhà máy nhiệt điện trong bức tranh phát triển kinh tế chung của tỉnh.