Năm 2021, Hà Nội phấn đấu có 45 cơ sở, công trình xây dựng đạt sử dụng năng lượng xanh.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu 45 cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh năm 2021, 60% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo đúng quy định.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Hà Nội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Năm 2021, Hà Nội cũng đã đặt ra những mục tiêu, kế hoạch cụ thể trong việc thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Theo đó, TP. Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,0 - 1,5% so với mức năng lượng dự báo nhu cầu; 50% doanh nghiệp vận tải trọng điểm có chương trình phổ biến kỹ năng điều khiển phương tiện/giải pháp kỹ thuật trong khai thác, sử dụng phương tiện giao thông cơ giới theo hướng tiến kiệm năng lượng; 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 50% các cơ sở công nghiệp nông thôn, làng nghề được tiếp cận, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 60% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo đúng quy định; đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả đối với các công trình xây dựng thuộc phạm vi áp dụng của quy chuẩn; 45 cơ sở, công trình xây dựng trên địa bàn thành phố được công nhận danh hiệu sử dụng năng lượng xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và có ít nhất 2 đến 3 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cấp quốc gia và khu vực ASEAN...
Hà Nội cũng đặt mục tiêu góp phần giảm mức tiêu hao năng lượng bình quân cho các ngành/phân ngành công nghiệp so với giai đoạn 2016 - 2020. Cụ thể, đối với công nghiệp dệt may tối thiểu 1%; đối với công nghiệp rượu, bia và nước giải khát từ 0,5 - 1,37% tùy vào loại sản phẩm, quy mô sản xuất; đối với công nghiệp giấy từ 1,6 - 3,6% tùy từng loại sản phẩm và quy mô sản xuất; đối với công nghiệp hóa chất tối thiểu 1,4%; đối với công nghiệp sản xuất nhựa từ 3,6 - 4,5%....
Về nội dung triển khai, Hà Nội sẽ hỗ trợ kỹ thuật đối với các hoạt động sản xuất, chế tạo, cải tạo, chuyển đổi thị trường phương tiện, trang thiết bị, máy móc, dây chuyền sản xuất, công trình xây dựng, chiếu sáng công cộng, giao thông vận tải, tiết kiệm năng lượng trong hộ gia đình,…; tăng cường năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả luôn được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu của TP. Hà Nội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững. Riêng đối với phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh cho các cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Hà Nội.
Việc công nhận các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh cũng như phổ biến, nhân rộng các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiêu biểu là giải pháp quan trọng để các cơ sở có mô hình tương tự áp dụng, thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng năng lượng hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của thành phố; thể hiện quyết tâm của thành phố “Cùng kiến tạo, cùng hành động, cùng phát triển” với các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thế hệ mới.
Năm 2020, Hà Nội đã trao danh hiệu cơ sở, công trình xây dựng sử dụng năng lượng xanh cho 42 đơn vị, trong đó có 17 đơn vị được xếp hạng 5 sao; 13 đơn vị được xếp hạng 4 sao; 12 cơ sở được xếp hạng 3 sao. Các doanh nghiệp, cơ sở này đã triển khai thực hiện các giải pháp có tính điển hình, mang lại hiệu quả cao, có thể áp dụng cho nhiều doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, giúp cho các doanh nghiệp cơ sở chủ động trong quá trình đổi mới trang thiết bị, quản lý vận hành và thiết kế dự án.
Link gốc