Thông tin đầu tư

Hà Tĩnh thu hút các dự án đầu tư điện gió nhiều tiềm năng

Chủ nhật, 19/9/2021 | 14:21 GMT+7
Với nguồn năng lượng gió dồi dào, môi trường đầu tư thuận lợi, hạ tầng truyền tải đồng bộ…, Hà Tĩnh đang thu hút các dự án điện gió nhiều tiềm năng.
 

Công nhân Công ty Truyền tải điện Hà Tĩnh thực hiện công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ đường dây 500 kV Hà Tĩnh - Vũng Áng.
 
Tập đoàn HBRE là doanh nghiệp tiên phong trên lĩnh vực đầu tư điện gió vào Hà Tĩnh. Đây là dự án điện gió đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (điện VII); được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3260/QĐ-UBND ngày 25/9/2020.
 
Theo đó, dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh tại TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh có công suất thiết kế 120 MW (25 tua bin gió), tổng mức đầu tư 4.687,4 tỷ đồng. Sản lượng điện thương phẩm hằng năm của dự án ước tính 350,357 GWh/năm.
 
Ông Hồ Tá Tín - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE cho biết, dự án Trang trại phong điện HBRE Hà Tĩnh sẽ lắp đặt các trạm tuabin đón gió trên dãy Hoành Sơn, có độ cao hơn mực nước biển 100m. Chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn nước ngoài khảo sát rất kỹ về tiềm năng gió. Kết quả cho thấy, tốc độ gió tại các vị trí đặt tuabin đều đạt trên 8m/s. Đây là tốc độ gió lý tưởng cho hoạt động dự án điện gió. Đặc biệt, ở vị trí này có thể đón gió quanh năm theo 3 hướng (Đông Bắc, Tây Nam và Đông Nam).
 
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên quá trình triển khai dự án có bị gián đoạn khâu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đặc biệt là khâu nhập thiết bị. Chúng tôi phấn đấu trong tháng 10/2021 sẽ tiến hành khởi công dự án” – ông Tín cho hay.
 
Được biết, Tập đoàn HBRE lựa chọn Hà Tĩnh để đầu tư không chỉ do đây là địa phương có tiềm năng về năng lượng gió mà cơ chế chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh cũng có nhiều thuận lợi.
 
Cùng với dự án điện gió của HBRE đang được triển khai ở đất liền, Hà Tĩnh có 137 km bờ biển. Đây là mặt bằng lý tưởng để đầu tư dựng các tua bin đón gió và trạm điều hành điện gió.
 
Theo đó, dự án điện gió thứ 2 đã được tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho khảo sát, lập hồ sơ dự án là dự án Nhà máy điện gió Kỳ Nam do Công ty Đầu tư năng lượng Thiên Long (thị trấn Nghèn, Can Lộc) làm chủ đầu tư.
 
Dự án đề xuất xây dựng, lắp đặt hệ thống tuabin gió trên mặt biển tại vùng biển xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh với công suất dự kiến 300 MW. Dự án được chia làm 2 giai đoạn gồm: Nhà máy Điện gió Kỳ Nam 1-30 MW và Nhà máy Điện gió Kỳ Nam 2 – 270 MW.
 
Theo ông Nguyễn Viết Tuấn – Giám đốc Công ty Đầu tư năng lượng Thiên Long, kết quả khảo sát năng lượng gió của đơn vị tư vấn cho thấy, khu vực biển Kỳ Nam có lượng gió rất lớn, được xem là “túi gió” của khu vực biển miền Trung với tốc độ gió trung bình trong năm đạt trên 8m/s, trong đó nhiều tháng lên đến 9m/s. Đây là tốc độ gió lý tưởng để làm dự án điện gió hiệu quả (tốc độ gió bình quân cho lắp đặt điện gió là 6,5m/s).
 
Hiện tại, chủ đầu tư đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, phấn đấu triển khai dự án vào năm 2022.
 
Với những tiềm năng trong phát triển điện gió ở Hà Tĩnh, mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đức Thắng (TP Hà Tĩnh) đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Hà Tĩnh đầu tư 2 dự án điện gió tại huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh với tổng mức đầu tư 13.893 tỷ đồng. 2 dự án này dự kiến sẽ lắp đặt 73 tuabin gió trên mặt biển với tổng công suất 350 MW.
 
Trước đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã có văn bản giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, tổng hợp việc chấp hành các quy định của pháp luật và nội dung liên quan trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của Công ty CP Tập đoàn Đức Thắng. Đồng thời, giao các sở, ngành liên quan căn cứ các quy hoạch, quy định pháp luật kiểm tra, xem xét tham mưu phương án xử lý.
 
Cùng với thu hút đầu tư dự án điện năng lượng sạch, Hà Tĩnh cũng chú trọng đầu tư hạ tầng truyền tải điện khá tốt với 2 trạm biến áp 500 kV, 5 tuyến đường dây 500 kV; 2 trạm biến áp 220 kV, 9 tuyến đường dây 220 kV; 9 trạm biến áp 110 kV, 13 tuyến dây 110 kV và hơn 2.640 km đường dây trung, hạ áp. Đây là hạ tầng quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư các nhà máy sản xuất điện và truyền tải lên lưới.
 
Ưu tiên đầu tư các dự án năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu trên địa bàn Hà Tĩnh mà còn góp phần thực hiện mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh góp phần thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
 
Theo: Báo Hà Tĩnh