Nhà máy điện hạt nhân Wolsong, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin-Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong-ho cho biết, nước này sẽ thúc đẩy ngành năng lượng hạt nhân phát triển nhằm mở rộng việc sử dụng điện hạt nhân làm nguồn năng lượng sạch.
“Là quốc gia có khả năng sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ 5 thế giới, Hàn Quốc đang nỗ lực mở rộng điện hạt nhân để tham gia kế hoạch của cộng đồng quốc tế”, ông Lee Jong-ho nói.
Quan chức Hàn Quốc cho hay, Seoul sẽ đầu tư phát triển lò phản ứng công suất nhỏ (SMR) và các công nghệ khác để hỗ trợ cộng đồng quốc tế đạt mục tiêu mở rộng năng lượng hạt nhân và đáp ứng nhu cầu điện gia tăng trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.
Ông Lee Jong-ho cũng kêu gọi quốc tế hỗ trợ thúc đẩy Sáng kiến năng lượng không carbon (CFE), do Tổng thống Yoon Suk Yeol đề xuất trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2023. Sáng kiến này kêu gọi thúc đẩy tích cực sử dụng năng lượng hạt nhân và hydro xanh làm nguồn năng lượng thay thế để nhanh chóng đạt các mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu.
Trước đó, Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc thông báo, nước này sẽ thúc đẩy điện hạt nhân đóng góp 33% tổng sản lượng điện vào năm 2030 nhằm tăng cường an ninh năng lượng và hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0.
Theo kế hoạch cung cấp điện đến năm 2036, Chính phủ Hàn Quốc dự định tăng sản lượng điện hạt nhân lên 201,7 terawatt giờ (TWh) vào năm 2030, đóng góp 32,8% tổng lượng điện của nước này - tăng so với mức mục tiêu ban đầu 25%.
Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc cho rằng, nước này có thể hiện thực hóa mục tiêu trên sau khi tái khởi động việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân và tiếp tục vận hành các cơ sở năng lượng hạt nhân đã hoạt động trước đó.
Cũng theo kế hoạch trên, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo đóng góp 21,5% tổng lượng điện của nước này vào năm 2030, điện than đóng góp 21,2% và khí tự nhiên hóa lỏng đóng góp 20,9%. Kế hoạch này dự kiến sẽ được hoàn thiện sau khi có những đánh giá về môi trường, lấy ý kiến công chúng và tham vấn các bộ liên quan.
Link gốc