Tin thế giới

Hàng triệu người ở châu Phi và châu Á không thanh toán hóa đơn điện

Thứ ba, 8/6/2021 | 14:23 GMT+7
Hàng triệu người đang phải gồng mình để có thể trả tiền điện sinh hoạt hàng ngày như điện thắp sáng, quạt, TV, sạc điện thoại di động, khi mà đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của họ.
 
 
Ngày 7/6, các tổ chức quốc tế cảnh báo những thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đang khiến hơn 25 triệu người ở châu Phi và châu Á không thể thanh toán hóa đơn điện sinh hoạt, đe dọa mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) về cung cấp điện cho tất cả mọi người vào năm 2030.
 
Theo một báo cáo toàn cầu thường niên về đảm bảo năng lượng bền vững, 70% trong số những người bị ảnh hưởng nói trên sinh sống ở khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận điện ở khu vực này. 
 
Hàng triệu người đang phải gồng mình để có thể trả tiền điện sinh hoạt hàng ngày như điện thắp sáng, quạt, TV, sạc điện thoại di động, khi mà đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của họ trong năm 2020.
 
Thực trạng này đang đe dọa tiến bộ đạt được trong thập kỷ qua khi có thêm hơn 1 tỷ người được tiếp cận điện kể từ năm 2010, đưa tổng số người trên thế giới đã được tiếp cận điện tăng lên 90% tính đến năm 2019.
 
Không những thế, tình trạng này cũng đang khiến mục tiêu phát triển bền vững của LHQ về việc bảo đảm tất cả người dân trên thế giới đều được tiếp cận điện vào năm 2030 gặp "nguy hiểm" khi mà số người chưa được sử dụng điện ở châu Phi đã gia tăng trong năm ngoái sau khi giảm trong 6 năm qua.
 
Ông Demetrios Papathanasiou, Giám đốc phụ trách vấn đề năng lượng và khai thác toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng việc tiếp cận điện là rất quan trọng đối với sự phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
 
Theo ông, khoảng 759 triệu người trên thế giới hiện nay chưa có điện để sử dụng, một nửa trong số đó là ở những khu vực xung đột và dễ bị tổn thương. Ông Papathanasiou cho rằng điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vì điện khí hóa các cơ sở y tế là vấn đề quan trọng để hỗ trợ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và khả năng ứng phó với đại dịch ở những nước đang phát triển.
 
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA), Vụ LHQ về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), WB và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có đến 660 triệu người sẽ vẫn chưa được tiếp cận điện vào năm 2030. 
 
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy tính đến năm 2019, khoảng 30% dân số thế giới, tương đương 2,6 tỷ người, vẫn chưa được tiếp cận những phương pháp nấu ăn sạch. Trong đó, nghiêm trọng nhất là khu vực Nam sa mạc Sahara khi có đến 900 triệu người, tương đương 85% dân số khu vực này, chưa được tiếp cận những phương pháp nấu ăn sạch khi vẫn sử dụng các loại nhiên liệu tạo khói như dầu hỏa, than đá và củi.
 
Các tổ chức trên cho rằng sự trì trệ trong việc cải thiện phương pháp nấu ăn đang là nguyên nhân khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm do hít phải khói và khí thải độc hại, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do ô nhiễm khí thải từ sinh hoạt gia đình. 
 
Bà Maria Neira, Giám đốc phụ trách vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và y tế của WHO, cho rằng việc tăng cường sử dụng năng lượng sạch là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe con người, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
 
Các tổ chức trên cũng kêu gọi tăng cường các nguồn năng lượng tái tạo vốn đang tạo ra 25% sản lượng điện toàn cầu, nhằm thúc đẩy nỗ lực điện khí hóa ở những quốc gia đang phát triển.
Theo: TTXVN