Lưới điện khu vực nông thôn của Hà Tây hầu hết bị xuống cấp nghiêm trọng.
Hợp nhất Hà Nội – Hà Tây: Vấn đề nổi cộm là lưới điện
Tháng 8/2008, Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết 15 của Quốc hội khoá XII. Sự kiện mang tính lịch sử này đã tác động sâu sắc đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã tiếp nhận và quản lý lưới điện của tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn - Hoà Bình. Đánh dấu quy mô, địa bàn quản lý, số lượng nhân lực và cơ sở vật chất tăng lên đáng kể so với trước đây.
Thời điểm đó thì hiện trạng lưới điện và quản lý điện ở khu vực nông thôn của Hà Tây gặp nhiều khó khăn. Hệ thống lưới điện hạ áp của các thị trấn và các xã được xây dựng từ nhiều năm, kinh phí đến đâu làm đến đó trong khi việc đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp lưới điện hạ áp chưa được các tổ chức quan tâm nên hầu hết bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các đường nhánh hạ áp, cột điện chủ yếu là cột tự tạo, có nhiều nơi sử dụng cột tre, dây dẫn nhiều chủng loại, có khu vực dây dẫn điện là dây trần, dây lưỡng kim, tiết diện dây dẫn nhỏ so với nhu cầu sử dụng điện năng.
Hầu hết trạm biến áp đặt chưa đúng trung tâm phụ tải do tại thời điểm xây dựng việc quy hoạch khu dân cư chưa rõ ràng, thêm vào đó phát triển phụ tải ở khu vực nông thôn tràn lan, dẫn đến bán kính cấp điện thậm chí lên tới 3-4km. Công tơ của các hộ sử dụng bao gồm nhiều chủng loại, phần lớn là công tơ sử dụng không được thay định kỳ theo quy trình kinh doanh, thậm chí không được kiểm định hoặc quá hạn kiểm định. Do đó, tổn thất điện năng tại các địa phương rất cao, hầu hết trên 30%, có nơi lên tới 40%; chất lượng điện năng không đảm bảo, có nhiều nơi vào giờ cao điểm điện áp chỉ khoảng 100V.
Sự thay da đổi thịt
Lưới điện của tỉnh Hà Tây cũ được đầu tư cải tạo ngay sau khi tiếp nhận.
Thời điểm năm 2008, Công ty điện lực Mỹ Đức quản lý bán điện trực tiếp trên địa bàn 04 xã là Thị Trấn Tế Tiêu (nay là thị trấn Đại Nghĩa) xã Đồng Tâm, Đốc Tín, Phùng Xá và các xã còn lại do các tổ chức ngoài EVN bán điện. Với hệ thống lưới điện cũ nát lâu năm chưa được cải tạo khiến chất lượng điện áp chưa ổn định gây ảnh hưởng tới nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Lưới điện Mỹ Đức đã được đầu tư cải tạo ngay sau khi tiếp nhận, hiện nay Công ty điện lực Mỹ Đức đang quản lý số trạm biến áp phân phối cấp là 427 TBA tương đương 152,5% (280 trạm biến áp năm 2008); Tổng chiều dài đường dây trung áp 290,63 km ở các cấp điện áp 22kV, 35kV. Với việc hệ thống điện được nâng cấp đã đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn Huyện Mỹ Đức.
Lưới điện Huyện Quốc Oai được nâng cấp đáp ứng mọi nhu cầu về điện trên địa bàn.
Tại Huyện Quốc Oai, trước thời điểm sát nhập Công ty điện lực bán điện trực tiếp trên địa bàn 02 xã là Thị Trấn Quốc Oai và xã Đại Thành, các xã còn lại được cấp điện bởi các tổ chức ngoài EVN. Thì đến thời điểm hiện nay, Công ty điện lực Quốc Oai quản lý bán điện đến 59.638 khách hàng, số trạm biến áp phân phối cấp điện là 524 trạm biến áp (TBA) phục vụ cho 1 thị trấn và 20 xã. Đáp ứng nhu cầu về điện sản xuất cho 01 Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai và 02 cụm công nghiệp là Ngọc Liệp & Yên Sơn với sản lượng điện thương phẩm trung bình hàng năm gần đây là 130 triệu kWh.
Huyện Mỹ Đức và Huyện Quốc Oai là 2 trong số các khu vực tiếp nhận được mở rộng và nâng cấp giúp cải thiện đời sống người dân cũng như đáp ứng nhu cầu về sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Với nguồn điện an toàn và ổn định đã tạo điều kiện phát triển của công nghiệp, khoa học - công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao để phát triển kinh tế của khu vực nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.
Độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.
Hệ thống vận hành với độ tin cậy cao đã bảo đảm nguồn điện phục vụ cho mọi đối tượng khách hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân Thủ đô với mức tăng trưởng hằng năm từ 10% -15%/năm.
Lưới điện thông minh
EVNHANOI đang nỗ lực xây dựng lưới điện thông minh để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, hệ thống tự động hóa kết nối trung tâm điều khiển với lưới điện, đảm bảo việc theo dõi vận hành và xử lý từ xa đồng bộ và đạt hiệu quả cao. EVNHANOI cũng đưa vào sử dụng một số phân hệ Hệ thống quản lý, giám sát và điều khiển tối ưu lưới điện phân phối (DMS) để dự báo phụ tải, tính toán trào lưu công suất…. Giải pháp sửa chữa bảo dưỡng dựa trên tình trạng thiết bị (CBM), tối ưu hóa chi phí và hạn chế thời gian cắt điện công tác trên thiết bị đã được triển khai hiệu quả, từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ khách hàng.
Hệ thống điều hành SCADA việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa.
Các trạm biến áp (TBA) của EVNHANOI đều được đầu tư vận hành theo tiêu chí không người trực, với hệ thống điều hành SCADA việc chỉ huy, thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị từ xa đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Hệ thống này giúp giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị, rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng, xử lý sự cố trạm biến áp... Từ đó, giảm tối đa nhân lực vận hành, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí vận hành hệ thống, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và đảm bảo vận hành lưới điện an toàn. Trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, bão lũ, việc sử dụng hệ thống SCADA để thao tác cắt điện các đường dây, TBA, thực hiện cấp điện trở lại cho khách hàng nhanh hơn, ngăn ngừa nguy cơ sự cố gây mất an toàn cho người và thiết bị.
EVNHANOI sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.