Chuyển đổi số trong EVN

Hiệu quả bước đầu chuyển đổi số trong quản lý vận hành

Thứ bảy, 6/11/2021 | 16:33 GMT+7
Trong năm 2021, thực hiện chủ đề công tác năm của EVN, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột (PC Đắk Lắk) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ quá trình sản xuất - kinh doanh (SXKD), đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động. 
 

Công nhân Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột, kiểm tra TBA khi có các thông tin cảnh báo bất thường trên chương trình quản lý kỹ thuật.
 
Nhận thức được tầm quan trọng và là mắt xích liên quan đến khách hàng nhiều nhất trong phân phối kinh doanh bán điện, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; từ đó, việc tự động hóa cũng đã đạt được những thành công nhất định. Từ đầu năm 2021, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đã đề ra các mục tiêu cụ thể trong chuyển đổi số với việc gắn nó với các hoạt động hằng ngày và với trách nhiệm của mỗi cá nhân. 
 
Theo đó, yếu tố quan trọng để thành công nằm ở các yếu tố con người được thể hiện cụ thể qua khả năng lãnh đạo, xây dựng mục tiêu, tạo động lực cho nhân viên, giao tiếp và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vào hoạt động SXKD… Vì vậy, các CBCNV đều phải chủ động tìm hiểu, học hỏi để am hiểu hơn về công nghệ, số hóa và Điện lực cũng xem đây là điều kiện cần thiết để tiến hành chuyển đổi số. Trong điều kiện đại dịch Covid-19, đơn vị cũng ưu tiên phương án, chỉ đạo kết nối trực tuyến và ứng dụng công nghệ thông tin (qua điện thoại, email, Zalo...) để phục vụ chỉ đạo và tạo điều kiện cho người thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận thông tin thuận tiện nhất. Cùng với đó, chuyển đổi số cũng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, góp phần quan trọng để nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình kinh doanh và đặc biệt là tạo ra không gian số để tương tác với khách hàng một cách tốt nhất. 
 
Công tác quản lý vận hành lưới điện nhờ số hóa mà đảm bảo cung cấp điện an toàn, chất lượng, liên tục với nhiều cải tiến, ứng dụng dịch vụ mới. Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột cũng áp dụng số hoá các quy trình nghiệp vụ nội bộ. Theo đó, nhân viên Điện lực sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để tác nghiệp, đồng bộ dữ liệu về hệ thống phần mềm dùng chung để bộ phận nghiệp vụ tại đơn vị xử lý tiếp theo quy trình, hoàn tất hồ sơ hoặc phản hồi kịp thời đến khách hàng. Quá trình xác nhận thông tin, trình duyệt lãnh đạo được thực hiện qua phần mềm, kết hợp ứng dụng chữ ký số. Phấn đấu tới năm 2025, đạt 100% thiết bị điện trên lưới điện được số hóa, được cập nhật đầy đủ về số lượng và dữ liệu thông tin trên phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS.
 
Đặc biệt trong công tác quản lý kỹ thuật, hầu hết các khâu đều được áp dụng công nghệ thông tin, trong đó, hệ thống đo đếm đã được hiện đại hóa. Đến nay, 100% khách hàng của Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột quản lý bán điện đều đã sử dụng qua hệ thống đo đếm công tơ điện tử với trên 79.000 công tơ trên lưới. Tỷ lệ tổn thất điện năng nhờ đó đã giảm rõ rệt, riêng năm 2021, thực hiện lũy kế 10 tháng của đơn vị đạt 3,35% giảm 0,04% so với cùng kỳ. Việc hiện đại hóa công cụ đo đếm đây là điểm thuận lợi cho việc số hóa khi cho phép thiết bị được kết nối vào các hệ thống thu thập dự liệu tự động từ xa qua các mạng truyền dẫn phổ biến RF, RLC, 3G, Wifi…Trong 10 đầu năm 2021, Điện lực cũng đã tiếp nhận, xử lý gần 3.000 yêu cầu của khách hàng thông qua đầu số 19001909 của Tổng đài Chăm sóc khách hàng, chiếm tỷ lệ 0,037%. Tất cả các yêu cầu này của khách hàng đều đã được xử lý kịp thời. Đến nay Điện lực cũng đã triển khai 100% dịch vụ điện cấp độ 4; hợp đồng mua bán điện được triển khai dạng điện tử; phát triển các kênh chăm sóc khách hàng online qua Tổng đài, APP CSKH trên điện thoại di động, Website…; 100% khách hàng sử dụng điện đã đăng ký nhận tin nhắn dịch vụ qua tin nhắn đều đã được nhận các thông báo dịch vụ kịp thời. Qua đó, vừa giúp khách hàng tiết kiệm chi phí đi lại, vừa có thể tiếp cận quy trình cung cấp dịch vụ điện một cách rõ ràng, công khai, minh bạch và giám sát được quá trình thực hiện của ngành điện. Điều này cũng đáp ứng nhu cầu của khách hàng về kênh tương tác văn minh, thống nhất một đầu mối mà ngành điện miền Trung đặt ra.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc đa dạng hóa các dịch vụ điện trực tuyến có ý nghĩa rất lớn trong việc tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc khách hàng. Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột đang từng bước xây dựng lộ trình số hóa đi vào thực tiễn, phấn đấu tạo đà những năm tiếp theo hoàn thành cơ bản chuyển đổi số, cùng PC Đắk Lắk hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025.
Anh Minh – D. Hùng