Công nhân EVNSPC kiểm tra công tác chong đèn cho cây thanh long phát triển. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
Các dự án tiêu biểu như: Dự án cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang; Dự án lưới điện phân phối nông thôn (RD); Dự án năng lượng nông thôn (REII); Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn; Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 2 (DPL2) để thực hiện Dự án Cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc; Chương trình Hỗ trợ phát triển chính sách cải cách ngành Điện giai đoạn 3 (DPL3) để thực hiện các Dự án thành phần cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng; phục vụ chong đèn cho cây thanh long tỉnh Long An; phát triển lưới điện huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận…
Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính quốc tế trong 20 năm qua (1995-2015) đã giúp cho EVN SPC có thêm nguồn vốn bổ sung quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng lưới điện, đưa điện ra hải đảo, miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh-tế xã hội của 21 tỉnh thành phía Nam. Nếu như năm 1995, tỷ lệ hộ dân có điện trên địa bàn quản lý của EVN SPC là 37,1% thì đến năm 2015 là 98,5% (tăng 61,4%); tỷ lệ hộ dân nông thôn có điện là 97,92% tăng 73,1% so với năm 1995 là 24,82%; năm 1995 chỉ có 898 xã có điện (đạt tỷ lệ 65,07%), thì đến nay đã có gần 2.510 xã có điện (đạt tỷ lệ 100%); sản lượng điện thương phẩm năm 2014 đạt 44,596 tỷ kWh, tăng 18 lần so với năm 1995 (2.457 triệu kWh). Nhờ đó, EVN SPC đã được các tổ chức tài chính quốc tế và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt các quy định về quản lý và sử dụng vốn ODA và có tỷ lệ giải ngân cao.
Với nhận thức đúng đắn về nguồn vốn ODA là nguồn vốn với nhiều ưu đãi nên EVN SPC luôn thực hiện quản lý chặt chẽ ngay từ khi lựa chọn danh mục cho dự án, bám sát tiêu chí của tổ chức tài chính tài trợ; danh mục được chọn phải đảm bảo cấp điện được nhiều nhất cho hộ dân và quyết tâm tận dụng tối đa nguồn vốn được tài trợ.
Trong những năm qua, tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi tại EVN SPC đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên mức giải ngân giữa các dự án, các công trình trọng điểm còn chưa đồng đều tại các Công ty Điện lực. Công tác quản lý, sử dụng vốn ODA cũng còn một số hạn chế như: Thời gian xem xét và phê duyệt danh mục tài trợ của các cơ quan còn kéo dài; thời gian chuẩn bị chương trình, dự án ODA, bao gồm từ khâu đề xuất ý tưởng dự án cho đến khi ký kết điều ước cụ thể về ODA thường rất chậm; chất lượng các hồ sơ dự án chưa đạt chất lượng, đáp ứng được yêu cầu; có những vướng mắc liên quan đến quy định quản lý rút vốn, thủ tục mua sắm cũng như các thử tục giải ngân, hoặc các hạng mục liên quan đến việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đối với các hạng mục chi tiêu thường xuyên vì mục đích sự nghiệp phát triển; liên quan đến cơ chế tài chính trong nước đối với các khoản vay ODA và vốn vay ưu đãi; khác biệt về quy trình, thủ tục, nhất là thủ tục mua sắm hàng hoá và thủ tục giải ngân giữa Tổng công ty và nhà tài trợ.
Trong năm 2015, dự báo kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi mạnh, tiềm ẩn rủi ro, thu hút ODA ngày càng khó khăn, bởi vậy, việc nâng cao năng lực sử dụng các nguồn vốn đã cam kết là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với EVN SPC. Để thực hiện điều này, EVN SPC xác định thực hiện một số giải pháp quan trọng như: Lựa chọn các công trình trọng điểm ưu tiên cho các dự án vay vốn từ ODA; xây dựng đề án định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2016 - 2020 trên cơ sở Thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính về về quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài của các nhà tài trợ phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư công. Đồng thời, khuyến nghị một số vấn đề cần tháo gỡ trong xây dựng và phê duyệt danh mục tài trợ, đàm phán và ký kết hiệp định, về vấn đề phát sinh phổ biến trong điều chỉnh thiết kế, tăng tổng mức đầu tư, phát sinh khối lượng hoặc chi phí, thay đổi nhân sự, điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, vướng mắc liên quan đến quy định quản lý rút vốn, thiếu vốn đối ứng và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng... Tăng cường chuẩn bị, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt trong khuôn khổ các chương trình hợp tác phát triển trung hạn của các nhà tài trợ như WB, ADB, JICA… Các chương trình, tập trung vào các lĩnh vực cụ thể như tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, thông qua ứng dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới; tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách ngành điện thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển chính sách quản lý vĩ mô và hỗ trợ sự phát triển thủy điện vận hành theo cơ chế lưu giữ năng lượng và được sử dụng, nâng cao hiệu quả của hệ thống cung cấp điện tiết kiệm năng lượng.
ODA (Official Development Assitance)- Hỗ trợ phát triển chính thức là nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài dành cho Chính phủ Việt Nam, trong đó yếu tố viện trợ không hoàn lại chiếm ít nhất 25% giá trị hiện tại của vốn hỗ trợ phát triển chính thức; còn 75% là cho vay. Lợi thế khi vay nguồn viện trợ ODA là nguồn vốn khá lớn, điều kiện vay thuận lợi, lãi suất thấp. Vốn vay ưu đãi là vốn không đáp ứng được tiêu chí 25% nhưng được các đối tác phát triển cung cấp theo các điều khoản ưu đãi hơn so vốn vốn thương mại. |