Mực nước hồ Đơn Dương đạt cao trình 1036.109 m vào lúc 15 giờ 00 ngày 09/9/2021.
Với diện tích lưu vực 775km2 trải dài từ huyện Lạc Dương đến huyện Đơn Dương, dung tích 165 triệu m3, kể từ khi đưa vào vận hành năm 1964 đến nay, hồ Đơn Dương thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ: Cung cấp nước chạy máy phát điện kết hợp cấp nước cho hạ du và cắt giảm lũ trên thượng nguồn sông Đồng Nai. Trong nhiều năm qua, hồ Đơn Dương đã thực hiện tốt nhiệm vụ kép của mình.
Giảm lũ hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du
Hồ Đơn Dương có lưu vực rộng (775 km2) nhưng dung tích khá nhỏ (165 triệu m3) nên mực nước hồ tăng khá nhanh vào mùa lũ. Theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai ban hành theo Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, mùa lũ hồ Đơn Dương bắt đầu từ ngày 1/8 đến ngày 31/12 hàng năm. Lũ thường xuất hiện trên hồ Đơn Dương vào những tháng cuối năm khi thượng nguồn sông Đồng Nai vào mùa mưa chính vụ và ở phía hạ du hồ Đơn Dương người dân các huyện Đơn Dương, Đức Trọng đang canh tác vụ màu chuẩn bị Tết. Việc vận hành hồ Đơn Dương an toàn, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du vào mùa lũ đã đặt ra nhiều thách thức cho Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi trong nhiều năm qua.
Trong năm 2020, do ảnh hưởng của các cơn bão số 6 (bão Linfa), bão số 7 (bão Nangka), bão số 12 (bão Etau) đi từ vùng biển vào đất liền và không khí lạnh trên lưu vực đã gây mưa lớn ở khu vực Tây Nguyên, tạo nên 04 cơn lũ về hồ chứa Đơn Dương. Thời gian xảy ra các cơn lũ khá gần nhau, diễn ra từ ngày 11/10/2020 đến 29/11/2020. Bằng sự chủ động phối hợp với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) của địa phương trong công tác truyền thông và vận hành hồ chứa, Công ty DHD đã phát huy tốt vai trò cắt giảm lũ của hồ Đơn Dương, giảm thiểu thiệt hại cho khu vực hạ du thuộc các huyện Đơn Dương và Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng.
Cơn lũ số 1 xuất hiện vào lúc 02 giờ ngày 11/10/2020 với lưu lượng lũ cực đại đạt 277 m3/s, lưu lượng xả tối đa 25m3/s giảm 90,97% đỉnh lũ. Cơn lũ số 2 xuất hiện vào lúc 22 giờ ngày 15/10/2020 với lưu lượng lũ cực đại đạt 224 m3/s, lưu lượng xả tối đa 100m3/s giảm 55,36% đỉnh lũ. Cơn lũ số 3 xuất hiện vào lúc 16 giờ ngày 10/11/2020 với lưu lượng lũ cực đại đạt 275,6 m3/s, lưu lượng xả tối đa 25m3/s giảm 90,93% đỉnh lũ. Cơn lũ số 4 xuất hiện vào lúc 06 giờ ngày 29/11/2020 với lưu lượng lũ cực đại đạt 687 m3/s, lưu lượng xả tối đa 500m3/s giảm 27,22% đỉnh lũ.
Nhờ phối hợp tốt với địa phương và Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) trong quá trình vận hành hồ chứa và huy động khai thác các tổ máy phát điện, lưu lượng xả điều tiết qua đập tràn hồ Đơn Dương luôn thấp hơn lưu lượng lũ về, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho hạ du.
Nguồn cung cấp nước dồi dào cho canh tác nông nghiệp
Kể từ khi đưa vào hoạt động đến nay, công trình thủy điện Đa Nhim là nguồn cung cấp nước dồi dào cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận gồm các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Nguồn nước qua chạy máy của Đa Nhim đã góp phần cho hơn 16 nghìn ha đất nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận với những cánh đồng lúa, vườn nho, vườn táo và nhiều giống cây trồng khác của địa phương thêm trù phú. Hàng năm, Công ty ĐHĐ chủ động làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan thống nhất lưu lượng cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận theo từng thời kỳ để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc phát điện kết hợp cấp nước cho hạ du.
Đối với hạ du hồ Đơn Dương thuộc tỉnh Lâm Đồng, Công ty DHD chủ động phối hợp với UBND huyện Đơn Dương, UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm thống nhất về phương án xả nước theo từng đợt và liên tục theo yêu cầu của địa phương. Trong mùa khô năm 2020, Công ty đã thực hiện cấp nước cho hạ du sông Đa Nhim theo yêu cầu địa phương, với tổng lượng nước xả qua đập tràn Đơn Dương hơn 5 triệu m3.
Chuẩn bị cho mùa lũ 2021
Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn về khả năng diễn biến phức tạp từ nay đến cuối mùa mưa bão năm 2021, trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), khả năng xuất hiện từ 10 đến 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 4 đến 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11 thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; lũ lớn có thể xảy ra trên các sông chính và lũ quét xảy ra cục bộ trên các sông vào các tháng 9 đến tháng 12.
Nhằm chuẩn bị tốt công tác vận hành hồ chứa mùa lũ năm nay, Công ty đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ công tác Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2021 vào ngày 15/7/2021 với sự tham gia của BCH PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ và các nhà máy thủy điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Hội nghị là dịp để Công ty ĐHĐ và khách mời tăng cường phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị mình.
Từ đầu tháng 9/2021 đến nay, mưa xuất hiện diện rộng trên lưu vực hồ Đơn Dương, lưu lượng nước về cao hơn lưu lượng chạy máy nên mực nước hồ có xu hướng tăng nhanh. Vào lúc 15 giờ 00 ngày 09/9/2021, mực nước hồ Đơn Dương đạt cao trình 1036.109 m, lưu lượng về hồ ở mức 48.01 m3/s trong khi lưu lượng chạy máy trung bình ngày khoảng từ 20 đến 25 m3/s. Theo dự báo về tình hình thủy văn hồ Đơn Dương, lưu lượng về hồ sẽ tiếp tục duy trì ở mức từ 55 đến 60 m3/s, cao hơn lượng chạy máy. Vì vậy, mực nước hồ Đơn Dương sẽ tiếp tục tăng cao và trên mực nước cao nhất trước lũ 1039.5 m trong thời gian vào cuối tháng 9 năm 2021. Ngày 10/9/2021, Công ty DHD đã gửi thông báo đến BCH PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng, huyện Đơn Dương, huyện Đức Trọng và các cơ quan có liên quan về việc sẽ tiến hành xả nước qua đập tràn Đơn Dương nhằm kiểm tra công trình, thiết bị đập tràn và khơi thông dòng chảy hạ lưu với lưu lượng xả từ 25 m3/s đến 50 m3/s, thời gian xả bắt đầu từ 09 giờ 00 đến 17 giờ 00 ngày 17/9/2021.
Hồ Đơn Dương đã chính thức bước vào thời kỳ mùa lũ năm 2021 với nhiệm vụ kép vừa cung cấp nước chạy máy phát điện vừa tham gia giảm lũ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho hạ du.