Quang cảnh buổi Hội thảo.
Công nghệ chẩn đoán phóng điện cục bộ (PD) từ khi được áp dụng đã mang lại những đóng góp tích cực trong khâu quản lý vận hành lưới điện tại PC Đà Nẵng. Trong đó PD online – hạng mục kiểm tra PD không cắt điện – đã và đang được khai thác sử dụng một cách hiệu quả để theo dõi những bất thường trong quá trình vận hành của thiết bị mà không làm gián đoạn cung cấp điện, giúp sớm nhận biết và xử lý các nguy cơ gây sự cố, ảnh hưởng đến chất lượng vận hành. Tuy nhiên hiện nay, cán bộ thí nghiệm chưa được trang cấp thiết bị chuyên sâu trong chẩn đoán PD đối với MBA, và thiết bị mới được đề cập đến lần này sẽ giải quyết vấn đề trên.
Thành phần tham dự Hội thảo của Pc Đà Nẵng gồm có Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty, Phòng Kỹ thuật, Đội Thí nghiệm - Đo lường, Đội Quản lý vận hành Lưới điện cao thế; về phía Công ty SYTEC, có ông Trần Tuấn Nam – Phó Giám đốc cùng chuyên gia hãng Techimp-Altanova (Ý).
Các thiết bị được giới thiệu là Techimp Aquila và Falcon, có thể sử dụng trong công tác chuẩn đoán PD đối với MBA, cáp ngầm, tủ hợp bộ và cả máy điện quay. Techimp Aquila và Falcon được trang bị các cảm biến chuyên dụng dùng cho việc giám sát PD của MBA (110/22kV và 22/0,4kV), gồm có cảm biến chân sứ, biến dòng cao tần (HFCT), anten lọc nhiễu, tụ ghép nối và các phụ kiện khác.
Trong buổi Hội thảo, chuyên gia hãng Techimp-Altanova cũng hướng dẫn cách lắp đặt cảm biến và cách sử dụng phần mềm phân tích các dạng đồ thị của PD để từ đó chẩn đoán được nguyên nhân gây ra phóng điện cục bộ MBA.
Hiện nay, PC Đà Nẵng đang quản lý vận hành 10 trạm biến áp 110kV với 17 MBA; 4.338 trạm biến áp phụ tải; 186,37 km đường dây 110kV; 3.272 km đường dây trung hạ áp. Với khối lượng đường dây và thiết bị tương đối lớn, để đảm bảo việc cung cấp điện được liên tục, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện là một thách thức lớn đối với PC Đà Nẵng. Chính vì vậy, việc được tiếp cận và trang cấp các thiết bị mới, hiện đại phục vụ công tác quản lý vận hành, đặc biệt là công tác CBM (Condition- Based Maintenance) luôn được lãnh đạo Công ty quan tâm.
Tại Hội thảo, các bên cùng trao đổi và chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc vận hành lưới điện cũng như quá trình sử dụng các thiết bị đo PD. Thông qua Hội thảo, PC Đà Nẵng đã được tiếp cận với thiết bị mới, công nghệ mới trong việc phát hiện, phân tích PD cho MBA, đặc biệt là các MBA 110kV vốn rất quan trọng và cần được tăng cường giám sát, theo dõi tình trạng phóng điện cục bộ. Theo đánh giá, Techimp Aquila và Falcon là giải pháp tối ưu trong công tác CBM đối với MBA tại PC Đà Nẵng.
Được biết, Bảo trì theo điều kiện hay bảo trì dựa trên tình trạng thiết bị (Condition- Based Maintenance - CBM) là một giải pháp bảo trì tiên tiến theo thời gian thực, nhằm giải quyết vấn đề làm sao để lập kế hoạch và theo dõi tốt hơn các quy trình bảo trì tại các thiết bị quan trọng. Mục tiêu cốt lõi của bảo trì theo điều kiện là phát hiện và ghi nhận được những dữ liệu điều kiện thực tế của thiết bị để làm tiền đề cho việc phân tích và đưa ra các chiến lược bảo trì chủ động trước khi có sự cố xảy ra gây hư hỏng thiết bị. Việc triển khai CBM đòi hỏi phải xây dựng hệ thống ghi nhận và xử lý thông tin, thu thập các giá trị vận hành trong quá khứ, chuẩn hóa giá trị định lượng cho từng chủng loại, trang bị đầy đủ các thiết bị theo dõi online, thiết bị đo, thiết bị giám sát không cần cắt điện.