Nhà máy năng lượng Mặt Trời nổi đầu tiên tại thành phố miền Đông Nam Piolenc, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo nghiên cứu do tập đoàn tư vấn EY thực hiện, hơn 1.000 dự án thân thiện với môi trường có thể đủ điều kiện nhận tài trợ từ quỹ phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU).
Trong nghiên cứu được thực hiện dưới sự ủy quyền của Quỹ khí hậu châu Âu, EY cho biết đã phỏng vấn các doanh nghiệp, cổ đông, quan chức và nhà đầu tư ở mỗi quốc gia thành viên để xác định dự án nào đạt yêu cầu nhận tài trợ. Kết quả có hơn 1.000 dự án đủ điều kiện nhận tài trợ từ quỹ phục hồi EU.
Các dự án này cần số vốn đầu tư khoảng 200 tỷ euro và sẽ tạo ra hơn 2 triệu việc làm. Hơn 20% trong số này có quy mô nhỏ với số vốn đầu tư tối đa 5 triệu euro.
Nếu nhận được tài trợ, các dự án có thể khởi động trong vòng hai năm tới, phủ khắp các lĩnh vực năng lượng tái tạo, dự trữ năng lượng, đổi mới vật liệu xây dựng, phát triển phương tiện vận tải phát thải ít carbon, sản xuất với công nghệ phát thải carbon thấp, và các quy trình sản xuất công nghiệp tiết kiệm nhiên liệu.
Một trong những dự án này là HYBRIT, sử dụng nhiên liệu hydro thay thế than cốc trong sản xuất thép tại Thụy Điển với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5-2 tỷ euro.
Theo EY, các dự án này chỉ chiếm khoảng 10% tổng số dự án xanh đang được phát triển tại châu Âu. Điều này đồng nghĩa toàn bộ số dự án "xanh" của EU sẽ cần tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ euro và có thể bù đắp tối thiểu 12 triệu việc làm đã bị mất trong thời kỳ dịch COVID-19.
EY cho biết sẽ sớm chia sẻ danh sách các dự án đã sẵn sàng để nhận đầu tư trong bối cảnh các quốc gia thành viên EU đang bàn thảo về kế hoạch phục hồi.
Nghiên cứu của EY được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước EU ngày 17/7 đã nhóm họp trực tiếp tại Brussels (Bỉ) để thống nhất về kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19, vốn đang đối mặt với những chỉ trích từ các tổ chức môi trường vì không đủ để EU thực hiện mục tiêu cắt giảm tối thiểu 40% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính so với mức năm 1990 vào năm 2030.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất ngân sách 1.100 tỷ euro (1.250 tỷ USD) cho giai đoạn năm năm tới, cộng thêm 750 tỷ euro cho quỹ phục hồi kinh tế nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên chịu tác động nặng nề nhất từ dịch COVID-19.
EC cho biết toàn bộ gói phục hồi sẽ tạo đà phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ "xanh" nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính - nguyên nhân chính gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu.
Link gốc
Theo: Vietnam Plus