Diễn đàn năng lượng

Hơn 500 đại biểu tham dự Hội thảo phát triển nguồn năng lượng tái tạo

Thứ năm, 9/7/2020 | 10:18 GMT+7
Sáng ngày 9/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và Điện mặt trời mái nhà với sự tham dự của hơn 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, chuyên gia, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.
hon 500 dai bieu tham du hoi thao phat trien nguon nang luong tai tao
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng - cho biết, những năm qua và giai đoạn sau 2020 đến 2030, nhu cầu tiêu thụ năng lượng điện vẫn tăng trưởng cao ở mức từ 7,5-8%/năm. Điều này gây nhiều khó khăn, thách thức cho hệ thống điện Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã khai thác hết các nguồn năng lượng sơ cấp như thủy điện; nguồn nhiên liệu than, khí cũng đang gặp khó khăn, phải nhập khẩu; bên cạnh đó nhiều dự án nhiệt điện than theo Quy hoạch điện VII chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân…
 
Hiện, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt khoảng 55.000 MW. Nếu tính cả các nguồn dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300 MW, bao gồm cả nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) thì công suất mới đạt gần 60.000 MW. Tuy nhiên theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2025, công suất nguồn điện của hệ thống phải đạt 90.000 MW. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2025, mỗi năm Việt Nam cần bổ sung thêm 5.000 MW các loại.
 
hon 500 dai bieu tham du hoi thao phat trien nguon nang luong tai tao
Gần 500 đại biểu là lãnh đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước, các Cục, Vụ của Bộ Công Thương, lãnh đạo địa phương phía Nam và lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm tham dự hội thảo

Trong bối như vậy, việc tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, đăc biệt là gió và mặt trời để sản xuất điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia và nhiều lợi ích khác…là một trong những xu hướng và giải pháp quan trọng hiện nay.
 
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển NLTT như Quyết định 11/2017/QĐ-TTg; Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời; Quyết định số 37/39 về cơ chế phát triển điện gió. Qua đó đã thu hút được nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển nguồn điện NLTT.
 
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, chỉ tính từ khi có Quyết định 11 đến nay, đã thu hút được 4.500 MW nối lưới, khuyến khích người dân lắp đặt được khoảng 500 MW điện mặt trời mái nhà và trên 400 MW điện gió đang vận hành. Đồng thời hiện cũng đã có khoảng gần 3.000 MW điện mặt trời, 2.000 MW điện gió đang thi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm nay và năm 2021.
 
Có thể nói đây là kết quả hết sức tích cực, thể hiện cơ chế chính sách của Chính phủ rất phù hợp, đi vào thực tế, khuyến khích được đầu tư. Các dự án đi vào vận hành không chỉ đóng góp sản lượng điện trên 3 tỷ kWh/tháng, giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia mà còn giúp hình thành thị trường điện NLTT tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, doah nghiệp, người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
 
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của NLTT thời gian qua cũng còn gặp một số hạn chế nhất định. Ví dụ như hạ tầng lưới điện truyền tải đã không theo kịp tiến độ của các dự án NLTT, dẫn đến các dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nối lưới ở một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận đã không giải toả hết 100% công suất ở một số thời điểm nhất định.
 
Đối với điện mặt trời áp mái, dù rất tiềm năng và dễ làm nhưng cũng chưa đạt được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, chưa có sự tham gia hỗ trợ mạnh mẽ từ các tổ chức tài chính; Thị trường sản phẩm, dịch vụ điện mặt trời khá đa dạng nhưng chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp muốn đầu tư.
 
hon 500 dai bieu tham du hoi thao phat trien nguon nang luong tai tao
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm, thiết bị điện mặt trời tại Hội thảo.

Để đạt được những mục tiêu trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị gần đây về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đồng thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn nhằm thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa, vừa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, phù hợp với hệ thống điện Việt Nam, với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã đang tích cực nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó có cơ chế xã hội hoá đầu tư lưới điện truyền tải; cơ chế đấu thầu các dự án NLTT nối lưới và các cơ chế khác theo hướng công bằng, minh bạch, tạo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển.
 
Thứ trưởng Bộ Công Thương bày tỏ, qua Hội thảo này, đại diện các Bộ, Ban ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, các hiệp hội và các doanh nghiệp năng lượng sẽ tập trung phân tích, làm rõ thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà, đặc biệt đề xuất các kiến nghị, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới. Qua đó, giúp Bộ Công Thương hoàn thiện các cơ chế, chính sách, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo, ban hành các văn bản nhằm phát triển NLTT an toàn, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Link gốc
Theo: Báo Công Thương