IEA cho biết công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 dự kiến chỉ đạt 2,7 lần mức năm 2022, thấp hơn mục tiêu tăng gấp 3 lần được đặt ra tại Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP28).
Các tấm pin tại trang trại điện mặt trời ở ngoại ô Nouakchott, Mauritania. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thế giới đang thiếu một sự đồng lòng toàn cầu nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, và mục tiêu này nằm trong tầm tay nếu các chính phủ thực hiện các hành động chính sách. Đây là nhận định được Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 9/10.
Báo cáo cho thấy gần 70 quốc gia, hiện đóng góp 80% công suất năng lượng tái tạo toàn cầu, sẽ đạt hoặc vượt mục tiêu đã cam kết vào năm 2030. Theo đó, thế giới dự kiến sẽ bổ sung hơn 5.500 gigawatt (GW) năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2024-2030 với các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại.
Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết: "Điều này không chỉ được thúc đẩy bởi các nỗ lực giảm phát thải hay tăng cường an ninh năng lượng, mà còn do năng lượng tái tạo hiện là lựa chọn rẻ nhất để bổ sung các nhà máy điện mới ở hầu hết các quốc gia trên thế giới."
Mặc dù vậy, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 dự kiến chỉ đạt 2,7 lần mức năm 2022, thấp hơn mục tiêu tăng gấp 3 lần được đặt ra tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Do đó, IEA khuyến nghị các nước đang phát triển và mới nổi cần cải thiện chính sách nhằm khai thác "tiềm năng năng lượng tái tạo lớn” tại đây. Theo đó, những vấn đề được chỉ ra bao gồm chi phí tài chính cao, cơ sở hạ tầng lưới điện yếu kém và thiếu khả năng hiển thị khối lượng đấu giá.
Đối với châu Âu và Mỹ, IEA cho rằng nên rút ngắn quy trình cấp phép để giải phóng tiềm năng.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia đóng góp 60%, mức gia tăng công suất năng lượng tái tạo toàn cầu, cần giải quyết những thách thức trong việc tích hợp năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện của mình.
Link gốc
Theo: Vietnam Plus