Nhà máy điện hạt nhân Bataan được Philippines bắt đầu xây dựng vào năm 1976 nhưng đã bị dừng lại do lo ngại về an toàn sau thảm họa Chernobyl năm 1986. Ảnh: Asean Records
Indonesia thảo luận với cả Mỹ và Nga
Với dân số 275 triệu người, Indonesia phụ thuộc rất nhiều vào than đá, nguồn năng lượng cung cấp hơn một nửa công suất điện hiện tại của nước này. Các nguồn năng lượng sạch, chẳng hạn như thủy điện, chiếm chưa đến 15%. Trong nỗ lực tái định hình bản đồ năng lượng, Indonesia đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân mới.
Tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) vừa qua, Hashim Djojohadikusumo, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Prabowo Subianto, đã vạch ra mục tiêu đầy tham vọng của Indonesia, đó là tăng thêm hơn 100 gigawatt công suất điện trong 15 năm tới. Ít nhất 75% trong số này có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo và năng lượng sạch, gồm cả điện hạt nhân. Được biết, Indonesia đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2060. “Vì vậy, đây là cam kết của Indonesia để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch” - ông Hashim phát biểu trước báo giới.
Ông Hashim cho biết Chính phủ Indonesia đang có kế hoạch xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, gồm một cơ sở ở phía Tây Indonesia có công suất 2 gigawatt. Hiện Indonesia đang vận hành 2 lò phản ứng hạt nhân, chủ yếu phục vụ mục đích nghiên cứu.
Indonesia cũng đang xem xét phát triển “các lò phản ứng mô-đun nhỏ”, với công suất dưới 300 megawatt, ít hơn so với các lò phản ứng truyền thống. Bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gần đây tại Brazil, Tổng thống Prabowo đã gửi lời mời các doanh nghiệp Brazil đầu tư vào các sáng kiến hạt nhân của Indonesia. Trước đó, ông Prabowo vào tháng 8 đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga xây dựng các lò phản ứng mô-đun nhỏ và lò phản ứng hạt nhân chính tại Indonesia.
Trong khi đó, theo một tuyên bố chung sau cuộc gặp mới đây với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng, Tổng thống Prabowo cũng đã thảo luận chủ đề tương tự để phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ. Năm ngoái, Công ty điện lực PLN thuộc sở hữu nhà nước Indonesia cũng đã ký một hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật với Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, gồm một nghiên cứu khả thi trị giá 2,3 triệu USD cho một lò phản ứng mô-đun nhỏ có công suất tiềm năng 462 megawatt tại tỉnh Tây Kalimantan.
Philippines đặt hy vọng vào Hàn Quốc
Tháng 3-2022, cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ký sắc lệnh đưa điện hạt nhân vào cơ cấu năng lượng của nước này. Giới chức Philippines muốn giảm dần các nhà máy điện than để đạt mục tiêu về khí hậu và hồi sinh nhà máy Bataan sau vài thập kỷ bỏ không. Việc này được đánh giá là cột mốc lớn với nền kinh tế thường xuyên thiếu năng lượng và có giá điện đắt đỏ này.
Đến tháng 10 năm nay, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với Philippines nhằm xây dựng một cơ sở năng lượng hạt nhân tại nước này. Theo thỏa thuận, Korea Hydro & Nuclear Power (KHNP) sẽ tiến hành nghiên cứu khả thi về việc khôi phục việc xây dựng nhà máy Bataan, vốn dự kiến sẽ mất 6 tháng. Phía Hàn Quốc hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp KHNP cũng như các công ty liên quan đến điện hạt nhân có được lợi thế cạnh tranh để tham gia vào quá trình xây dựng nhà máy này trong tương lai.
Theo Thứ trưởng Năng lượng Philippines Sharon Garin, nước này đặt mục tiêu đạt được ít nhất 1.200 megawatt công suất hạt nhân hoạt động thương mại vào năm 2032 và tăng lên 4.800 megawatt vào năm 2050.
Link gốc