Nhà máy Điện gió Bạc Liêu do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý làm chủ đầu tư này được triển khai xây dựng ven biển Bạc Liêu với toàn bộ các tua-bin được đặt dọc theo đê biển Đông, kéo dài từ phường Nhà Mát đến ranh giới tỉnh Sóc Trăng và chiểm tổng diện tích khoảng 1.300 ha.
Dự án xây dựng nhà máy được chính thức khởi công vào ngày 9/9/2010. Sau 5 năm triển khai, dự án hoàn thành, nhà máy đạt được công suất 99,2 MW và điện lượng sản xuất hàng năm khoảng 320 triệu kWh. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.217 tỷ đồng, bằng nguồn vốn tự có của chủ đầu tư và nguồn vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà Nước.
Mỗi trụ tua-bin (biến năng lượng gió thành điện năng) có chiều cao 82,5 m, đường kính 4 m, làm bằng thép đặc biệt không gỉ và được sản xuất tại Mỹ. Tua-bin có 3 cánh quạt với chiều dài mỗi cánh 42 m, làm bằng nhựa đặc biệt, có hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại khi gặp thời tiết xấu như bão lớn phù hợp với chế độ gió cấp III tại khu vực ven biển tỉnh Bạc Liêu. Đây là loại tua-bin gió do tập đoàn General Electric của Hoa kỳ cung cấp với công nghệ tiên tiến đang được ứng dụng rộng trên thế giới.
Với công suất đạt gần 100 Mega-oat (chính xác 99,2 MW), Nhà máy Điện gió Bạc Liêu là nhà máy điện gió lớn nhất ở nước ta hiện nay.
Điều đặc thù của dự án xây dựng nhà máy điện gió là ngay trong quá trình xây dựng, mỗi tua-bin gió được lắp dựng đều có thể đấu nối và hòa điện vào lưới điện quốc gia; tức phát huy ngay được hiệu quả đầu tư. Tính từ trụ tua-bin gió đầu tiên được hòa vào lưới điện quốc gia tháng 5/2013 đến thời điểm khánh thành dự án vào tháng 1/2016 mới đây, tổng sản lượng điện hòa vào lưới quốc gia trong giai đoạn đầu tư xây dựng là 130 triệu kWh điện, doanh thu từ bán điện là 150 tỷ đồng, đóng góp ngân sách được 15 tỷ đồng.
Nhà máy Điện gió Bạc Liêu chưa dừng phát triển ở đây. Tiếp theo sau khi khánh thành giai đoạn vừa qua, chủ đầu tư sẽ xúc tiến lập báo cáo tiền khả thi triển khai giai đoạn tiếp theo với 71 trụ tua-bin gió mới (loại 2MW/trụ) và tổng công suất 142 MW, tổng mức đầu tư dự kiến 8.850 tỷ đồng, thời gian thực hiện 36 tháng. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành xây dựng và đưa toàn bộ các tua-bin mới vào vận hành, hòa vào hệ thống điện lưới Quốc gia.
Ở nước ta, ngoài Bạc Liêu, tỉnh Bình Thuận với thuận lợi nằm trải dài dọc bờ biển trong những năm qua cũng đã xúc tiến các dự án xây dựng điện gió. Dự án Tuy Phong ở Bình Thuận đã hòa mạng lưới điện quốc gia giai đoạn 1 gồm 20 trụ điện gió (tua-bin) với chiều cao cột 85 m, đường kính cánh quạt 77 m, công suất 1,5 MW/tuabin; tức tổng công suất đạt 30 MW. Một dự án hơn khác ở Bình Thuận là Dự án Điện gió ở đảo Phú Quý với 3 tuabin, tổng công suất 6 MW đã lắp đặt xong và thử vận hành an toàn, bình thường. Nguồn điện gió Phú Quý, khi chính thức hòa vào dòng điện của nhà máy điện diesel hiện có tại đảo, thì đảo Phú Quý sẽ có điện 24/24 giờ. Dù khởi động sớm nhưng sự phát triển điện gió ở tỉnh Bình Thuận đã giảm chậm lại và tụt lại phía sau so với tỉnh Bạc Liêu.
Như vậy, cho đến nay và có thể trong một số năm tới nữa, Bạc Liêu vẫn là tỉnh có nguồn điện sạch - điện gió lớn nhất nước ta.
Theo: VietNamNet