Xả nước vụ đông xuân 2019- 2020

Khô hạn nặng: Khó khăn cấp nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020

Thứ sáu, 13/12/2019 | 16:21 GMT+7
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 12/12, thông tin được nhiều báo chí quan tâm là khả năng các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình sẽ về mực nước chết sau khi xả hơn 4 tỷ m3 nước để phục vụ gieo cấy vụ lúa Đông Xuân năm 2020.
 
Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình cung cấp điện mùa khô cũng như cấp nước cho sinh hoạt và đời sống của người dân Thủ đô. 
 
Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm 03 đợt tổng cộng 18 ngày, với tổng lượng nước xả khoảng 4 tỷ m3. Mặc dù lượng nước này đã thấp hơn nhiều so với các năm trước, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, do các hồ thủy điện lớn ở khu vực Tây Bắc trên dòng chính sông Đà hầu như cả năm 2019 không có lũ về, cộng với tình hình thời tiết khí hậu cực đoan nên hiện nay lượng nước trong hồ đang thấp hơn rất nhiều so với mực nước dâng bình thường. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới cung cấp điện trong thời gian sắp tới.
 
"Các hồ chứa thủy điện mục tiêu vẫn là muốn tích đến mực nước dâng bình thường để đáp ứng cho mùa khô năm 2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) là sẽ bị thấp hơn so với mực nước dâng bình thường – tính ra điện tương đương với khoảng 4,5 tỷ kWh – một con số khá lớn. Và điểm đặc biệt khó nữa là lại nằm trên các hồ chứa lớn như là Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình. Với yêu cầu cấp nước cho vụ đông xuân 3 đợt đổ ải thì sẽ có 1 số nguy cơ vì diễn tiến nước không có sự cải thiện, và với những thông tin nước vào như hiện nay thì sẽ về mực nước chết sớm của các hồ lớn là Sơn La và Hòa Bình. Đã về mức nước chết thì các tổ máy sẽ chạy theo có nước về, tức là có từng nào thì chạy từng đó, nghĩa là ở mức độ rất hạn chế- ông Nguyễn Đức Cường chia sẻ.
 
Thực tế này cũng đã được ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) thông tin tại buổi họp báo chiều qua (12/12). Hiện  nay hồ Hòa Bình đang thấp hơn mực nước dâng bình thường 15m, hồ Sơn La thấp hơn mực nước dâng bình thường 13m và hồ Thác Bà cũng thấp hơn khoảng 10m so với mức nước dâng bình thường. Riêng đối với hồ chứa thủy điện Hòa Bình không chỉ cấp nước phục vụ đổ ải gieo cấy vụ Đông Xuân mà còn phải cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà với lưu lượng tối thiểu 400 m3/giây, để khai thác, cấp nước cho thành phố Hà Nội, nên càng thêm khó khăn.
 
"Nếu đúng như những tính toán, với mức độ đổ ải hiện nay và việc duy trì phát điện thì rõ ràng việc huy động các nhà máy thủy điện nói chung và các nhà máy thủy điện phía Bắc, đặc biệt là các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La đứng trước nhiều khó khăn. Chúng tôi cũng đã bàn với Bộ Nông nghiệp phát triển Nông thôn và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị. Hiện nay về phía Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chúng tôi đang đề nghị phải có các giải pháp để làm sao sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất như khi tiến hành đổ ải, các trạm bơm phải tận dụng tối đa lượng nước đưa về hạ du để phục vụ cho tưới tiêu"- ông Tuấn cho biết.
 
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương cũng cho biết đã chỉ đạo EVN và Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) phải tuân thủ Quy trình điều tiết liên hồ chứa; phối hợp chặt chẽ với các UBND các tỉnh, thành phố để đề xuất với Sở NN & PTNT, các công ty thuỷ nông địa phương để có kế hoạch lấy nước tưới tiêu phù hợp. Phương thức vận hành hệ thống điện phải hết sức linh hoạt, khi có tình huống xấu phải có giải pháp thay thế các nguồn điện khác (như điện than, điện khí,điện dầu) để đảm bảo điện.
 
Nguyên Long