Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra việc bơm nước tại Trạm bơm Cúc Thành (huyện Vụ Bản - Nam Định). Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, đợt 1 chủ yếu phục vụ cho các địa phương ven biển để thau chua rửa mặn, vệ sinh đồng ruộng. Các địa phương đã rất chủ động lấy nước. Nhiều vùng mà trước đây thường đợi đến đợt 2 mới lấy nước thì giờ lấy ngay trong đợt 1.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương vừa lấy nước vừa tích nước vào những nơi có thể ngay trong đợt 1 này nhằm đảm bảo đủ nước cho sản xuất đúng lịch thời vụ vừa tiết kiệm nguồn nước xả.
Qua nhiều năm lấy nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương để có những điều chỉnh thích hợp trong việc lấy nước, đặc biệt là điều chỉnh khung thời vụ để các địa phương gieo cấy trong khung thời vụ cùng nhau, nhằm rút ngắn khoảng thời gian lấy nước.
"Năm nay, đồng ruộng được ải, cộng với các địa phương lấy nước đổ ải tốt, hi vọng vụ Đông Xuân này khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ sẽ tiếp tục được mùa”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp tin tưởng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo các địa phương cố gắng chuyển mạnh từ gieo sạ sang cấy. Hiện nay với tập quán canh tác ở một số nơi vẫn có tập quán gieo sạ, như vậy sẽ rất tốn nước. Vì cho nước vào đổ ải xong lại phải rút nước ra thì mới gieo sạ được, sau khi gieo sạ xong rồi lại phải bơm nước vào. Bên cạnh đó, nông dân cũng buộc phải dùng các loại hóa chất để diệt cỏ và tốn lượng thóc giống so với cấy bình thường gấp khoảng 3 lần.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đánh giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc xả nước trong đợt 1. Mực nước tại Hà Nội đã đạt và có thời điểm đã vượt yêu cầu, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục duy trì mực nước theo kế hoạch.
Bà con thôn Đồng Lạc (xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản - Nam Định) bừa đất chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2020-2021. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Ông Trần Xuân Bách, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà cho biết, công ty đảm bảo cấp nước tưới cho gần 47.000 ha của 8 huyện, thành phố hai tỉnh Nam Định và Hà Nam và tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc, gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản.
Chuẩn bị cho lấy nước vụ Đông Xuân, công ty đã triển khai bảo trì một số hạng mục công trình, máy móc thiết bị, nạo vét các trục kênh. Việc bảo trì công trình đã hoàn thành rất sớm, đảm bảo an toàn công trình để phục vụ cấp nước đổ ải. Công ty đã tiến hành lấy nước, tích trữ vào hệ thống từ ngày từ ngày 16/12/2020. Từ ngày, 30/12/2020, sau khi các địa phương hoàn thành thủy lợi nội đồng, công ty vận hành đưa nước vào nội đồng.
Căn cứ vào tình hình nguồn nước và lịch lấy nước, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà sẽ phối hợp với các công ty trong hệ thống điều chỉnh thời gian vận hành cho phù hợp. Đợt 1, công ty sẽ đảm cho 50 - 60% diện tích đủ nước, đợt 2 đảm bảo cho 80 - 90% diện tích đủ nước làm đất, gieo cấy. Lịch gieo cấy vụ này của 2 tỉnh trên từ ngày 25/1 đến 28/2.
Ông Trần Đức Việt, Phó Giám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định cho biết, để chuẩn bị lấy nước đợt 1 theo kế hoạch, Nam Định đã đề nghị các địa phương, công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện chiến dịch thủy lợi nội đồng từ cuối tháng 10/2020 đến 10/1/2021 và đã hoàn thành vượt tiến độ đề ra.
Trước thời điểm lấy nước đợt 1, toàn bộ hệ thống kênh mương tỉnh Nam Định đảm bảo thông thoáng từ công trình đầu mối đến ruộng. Với đợt 1, tỉnh đã chỉ đạo các công ty khai thác công trình thủy lợi tập trung lấy nước vào kênh mương để thau chua, rửa mặn và giữ nước trong đồng ngâm ủ đất.
Việc lấy nước đợt 2, Nam Định tiếp tục bám sát kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để đảm bảo thời gian gieo cấy. Dự kiến, với tình hình nước ở Nam Định sẽ đảm bảo.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương, đơn vị động viên nông dân ngay sau Tết ra đồng tập trung gieo cấy ngay để đảm bảo khung thời vụ.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trước khi lấy nước đợt 1, từ ngày 9/1, tập đoàn đã huy động các đơn vị xả nước từ hồ chứa để đảm bảo mực nước cho các đơn vị lấy nước. Dự kiến đợt 1, các nhà máy thủy điện sẽ phải xả từ 1 đến 1,2 tỷ m3.
Bên cạnh đó, việc cấp điện luôn được tập đoàn và các công ty chỉ đạo tạo điều kiện tối đa cho các công ty khai thác công trình thủy lợi trước, trong và sau thời gian lấy nước.
Năm nay, điều kiện thủy văn có điều kiện thuận lợi hơn so với mọi năm nhưng tình hình hạn hán còn khó lường nên cần tiết kiệm nước để phát điện cho các tháng mùa khô. Đề nghị ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân tranh thủ lấy nước, tận dụng tối đa nguồn nước xả, kể cả sau các đợt xả để tiết kiệm tối đa nguồn nước cho các đợt xả sau.
Theo Tổng cục Thủy lợi, đến 17h ngày 13/1, diện tích có nước của khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 65.128 ha, đạt 12,5% kế hoạch. Các địa phương có tỷ lệ diện tích lấy nước cao gồm: Phú Thọ 46%; Ninh Bình 28,5%; Vĩnh Phúc 17%; Hải Phòng 11,6%; Nam Định 20,9%; Hà Nam 13,5%... Tính đến 16h00 ngày 13/1, mực nước trung bình ngày tại Trạm thủy Hà Nội đạt 1,79 m, cao nhất đạt 2,12 m lúc 11h. |